Thursday, March 30, 2023

Tiếu Lâm: "Bủm" ....I did

Trong tất cả các phiên tòa ở Mỹ phán xét tội phạm người Việt Nam đề phải có phiên dịch. Tại một phiên tòa nọ, ông phiên dịch viên rất giỏi, mỗi khi thẩm phán nói ra câu gì là ông lập tức dịch từ Việt sang Anh, Anh sang Việt.Khi chờ đợi thẩm phán ra quyết định cuối cùng, bổng có một tiếng

"Bủm"

Thẩm phán tức giận hỏi:
-Who did it?

Ông ta trả dịch:
-Ai địt.

Ngay lập tức cảnh sát đến lôi ông ta ra ngoài vì :
I did

(Sưu tầm)

Wednesday, March 29, 2023

ĐỖ DUY NGỌC - NÓI CHUYỆN CHÍNH TẢ

Đỗ Duy Ngọc 
24 tháng 11 năm 2020

Không biết vì sao mà bây giờ người viết sai chính tả nhiều quá. Có thể là ngày nay, mạng xã hội, facebook phổ biến nên người ta viết nhiều, sử dụng nhiều nên mới lộ ra việc viết sai chính tả chăng? Cũng có thể nhà trường hiện nay không chú trọng việc dạy viết đúng chính tả cho học sinh? Cũng có thể bây giờ người ta ít đọc sách, bởi đọc sách cũng là một cách rèn luyện viết chính tả cho đúng? Mà cũng có thể thời hiện đại người ta phát âm sao thì viết ra vậy nên chữ nghĩa ngọng nghịu là lẽ đương nhiên? Và cũng có thể vì tất cả những lý do ấy.
Chỉ cần lướt các bài viết và comment ở trên mạng, ta có thể tìm thấy vô vàn lỗi chính tả. Lỗi nhẹ thường thấy là sai hỏi ngã. Lỗi này thì quá phổ biến, đến độ người ta có thể bỏ qua. Cũng thường thấy là viết như người ngọng nói. Ngày trước, người Việt thường lấy giọng Hà Nội làm chuẩn, giọng Bắc là giọng chuẩn, điều ấy chưa hẳn đã đúng nhưng cũng tạm chấp nhận. Nhưng bây giờ thì khác rồi, người Bắc nói chớt, nói ngọng nhiều quá và đem cái chớt, cái ngọng ấy vào bài viết, nói sao viết vậy. Trân trọng viết là chân chọng. Trả treo viết là chả cheo. Cho nên viết là cho lên. Lịch sử viết là lịch xử ... nhiều lắm kể không hết. Cứ tưởng người ít học thì viết sai nhiều lỗi chính tả, nhưng không phải thế. Học sinh cấp 3, sinh viên Đại học cho đến giáo viên, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng viết sai chính tả tùm lum. Lãnh đạo cũng mắc không ít lỗi chính tả khi viết. Ngay đến giáo viên dạy môn Văn trong các trường học cũng viết sai chính tả. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng đầy lỗi chính tả. Ngày xưa, sách, báo là nơi để người ta tìm thấy sự chính xác trong câu văn, trong từ ngữ sử dụng và cũng là nơi tin cậy về chính tả. Ngày nay không còn thế nữa, sách đầy lỗi, báo viết sai tè le, ngay cả sách giáo khoa dạy cho trẻ con cũng viết con dơi thành con rơi. Đành thua. Một bài văn hay, một bài báo tốt, một câu comment thú vị mà nhiều lỗi chính tả thì bài văn ấy, câu comment ấy giảm biết bao giá trị. Nhiều khi cứ tự nghĩ không biết giờ trong nhà trường ở môn Tiếng Việt, môn Văn học, người ta dạy học trò những gì nhỉ? Còn nhớ cách đây hơn 60 năm, thời tôi còn là cậu bé con đi học tiểu học môn dictée tức chính tả là môn học quan trọng, thầy cô rất chú trọng môn này và giần cho nát xương đứa nào viết sai nhiều lỗi cho nên trò nào cũng cố gắng Une dictée sans fautes, một bài chính tả không có lỗi. Có lẽ nhờ thế mà thế hệ chúng tôi viết bài ít lỗi hơn bây giờ chăng? Tuy vậy, giờ có tuổi, lẩn thẩn rồi, trong khi viết mà gặp một từ nào hơi hồ nghi, tôi liền tra tự điển hoặc vào google đánh chữ đấy tìm xem để có sự chính xác. Tôi nghĩ viết cho đúng chính tả cũng không khó. Nếu để ý trong lúc viết, kiên trì rèn luyện thì việc viết sai chính tả sẽ vượt qua được thôi.
Cứ đà này, chữ Việt thành một mớ hỗn độn của người bệnh ngọng. Đôi lúc cứ đọc thấy lỗi, lòng lại buồn và lo cho tiếng Việt.

Thursday, March 23, 2023

ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG...

Vợ chồng ăn ở với nhau, trông cậy vào nhau lúc ốm đau bệnh hoạn, chứ lúc khỏe mạnh, thảnh thơi, dễ gì ai lại cần tới ai. Dù vui buồn, sướng khổ, hay gặp lúc nguy nan thì cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, đó mới là phải đạo. Đạo nào sâu cho bằng đạo vợ chồng.

Người chồng là tay trái, người vợ là tay phải. Tay trái sờ tay phải không có cảm giác gì, nhưng có một ngày, tay trái chảy máu, tay phải nhất định sẽ giúp cầm máu.

Có một ngày, tay trái ngứa ngáy, tay phải nhất định sẽ gãi ngứa cho tay trái.

Có một ngày, tay trái cầm đồ mệt mỏi, tay phải nhất định sẽ giúp tay trái bưng đồ.

Cho nên không được ghét bỏ tay phải của bạn, càng không thể ghét bỏ tay trái của bạn. Bởi vì tay trái nắm tay phải mới tạo nên cuộc đời trọn vẹn, nắm bàn tay của nhau tới tận cuối đời, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, bình đạm mới thật là yên vui.

Một người cả đời chỉ yêu bạn, thương bạn, lo lắng cho bạn, đây chính là hạnh phúc.

Vạn người theo đuổi không bằng một người yêu thương.

Vạn người nuông chiều không bằng một người thấu hiểu.

Không phải tất cả mọi người trên đời này đều có thể yêu nhau bằng tất cả trái tim.

Những ai đi lướt qua đều là cảnh, những người đụng phải vai đều là khách.

Người nhớ bạn, yêu bạn mới là người chia sẻ ngọt bùi cùng bạn

Hãy trân trọng! Trân trọng..!

( https://tinhhoa.net/dao-nghia-vo-chong-se-tron-ven-khi-ban-tay-chi-nam-mot-ban-tay.html )

Saturday, March 11, 2023

Thành kính phân ưu thầy Giuse Hoàng Văn Long

Chúng em học sinh trường Trung Học Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, xin thành kính chia buồn cùng cô và gia đình.

Nguyện xin Chúa nhân từ đón nhận linh hồn thầy Giuse vào nơi vinh phúc .




Thursday, March 9, 2023

Quán Ven Đường: Trí tuệ nhân tạo giả giọng nói lường gạt lấy tiền….

Trích lại từ bài viết của thầy Huỳnh Chiếu Đẳng (HCD) 9-Mar-2023

-----------
Nguồn tin và chi tiết : https://biz.crast.net/they-thought-their-loved-ones-were-calling-for-help-it-was-an-ai-scam/
 
HCD : Viết chữ đen : Nhiều người bị gạt, thí dụ : bà Ruth Card, 73 tuổi ở Regina (Canada), nhận được phone từ người lạ nói cháu bà, anh Brandon, bị tạm giam, không có smartphone để liên lạc và cần một số tiền để đóng thuế chân để được tại ngoại.
AI giả giọng nói đang tràn lan, hầu hết nạn nhân đều khó xác định được thủ phạm. Các công ty tạo ra AI cũng chưa có luật hay phải chịu trách nhiệm về việc kẻ khác dùng nó để gạt người khác. Chỉ cần nghe giọng một người trong 5 giây đồng hồ, AI bắt chước được giọng người đó y như thật.
Kết luận :Hậu giả nhiều lắm, kể vài chuyện :
1. Những bài diện văn, những lời phát biểu của các nhân vật quan trọng từ nay trờ đi sẽ khó phân biệt được giả chân.
2. Giọng ca vàng của các ca sĩ nổi tiếng một vài năm tới sẽ trở thành "giọng ca bèo"
3. "Bạn bè thân nhân" "gặp nạn" và sẽ giận nhau liên chia (gặp nạn mới mươn tiền được … Tui quen nó từ nhỏ, cứ tường nó là người đàng hoàng, nó mượn tiền tôi, giờ đây nói ngược.
4. …………..
.………
13. Đã manh nha hình ảnh và video của "chính các bạn" làm chuyện phi pháp bị quay phim tại trận lan trà trên "mạng xã hội"

Rồi sao : Để tránh cho "thân nhân AI" gọi cell phone đến mượn tiền thì các bạn nên có con số mật mã cho gia đình, hay hỏi tùng lum chi tiết cá nhân thì "thân nhân AI" sẽ lòi mặt gian ngay. Thí dụ trường hợp cháu gọi bà xin tiền như trên thì bà nên hỏi cháu vậy chớ cha mẹ con làm đám cưới ở nhà thờ nào, ở city nào…năm nào, hỏi em gái con tên gì…Dĩ nhiên hỏi một lúc thì "thân nhân AI" bí xị.
-----------

Wednesday, March 8, 2023

Vết Sẹo

LÊ THÚY BẢO NHI
(Tuổi Trẻ Online 24/04/2004)

TTCN - Mẹ ruột chúng tôi mất sau khi sinh em trai út của tôi. Chị Như, chị hai tôi, lúc đó mới lên mười. Tôi, đứa con gái thứ hai, lên tám ốm quặt quẹo. Sau nữa, thằng Thành, năm tuổi, tròn như củ khoai ngơ ngác đi tìm mẹ suốt ngày.

Hai năm sau cha tôi tục huyền với người phụ nữ con nhà gia thế, một phụ nữ đẹp mới 27 tuổi. Chúng tôi gọi người này là "má". Cha đi làm từ sáng đến tối, giao phó toàn bộ việc chăm nom con cái cho má tôi. Má làm trăm thứ việc không mấy khi ngơi tay. Chị em tôi no đủ, sạch sẽ, nhà cửa chúng tôi gọn gàng, bữa cơm dọn lên lúc nào cũng nóng sốt.

Cha tôi chung sống với má sau được ba năm thì đau nặng rồi mất. Lúc sắp ra đi, cha không còn nói được chỉ nhìn má tôi rồi khóc. Má lúc đó trẻ quá, đẹp quá lại chẳng phải má ruột của chúng tôi...

Cha vừa nằm xuống được mươi ngày đã có người đến đòi xiết nhà, xiết đồ. Gia đình nhà má khăng khăng bắt má về gả chồng. Rồi một ngày kia má kêu bán nhà, trả hết nợ rồi lặng lẽ dắt díu chúng tôi đi. Đó là năm 1978. Chúng tôi ở đậu nhà người chị họ xa của má, gọi là dì tư Tím. Dì làm nghề ướp cá, bán cá, dì góa bụa và nghèo khó. Căn nhà của dì không khác hơn cái chòi canh dưa là mấy, vậy mà còn chứa thêm má và bốn đứa chúng tôi. Dì tư Tím đem biếu ba con gà mái dầu cho một người quen để xin cho má một chân hộ lý trong bệnh viện đa khoa.

Hằng ngày, má dậy từ 3g30 sáng, vào bệnh viện nấu nước, châm nước cho những bệnh nhân dậy sớm rửa mặt, pha sữa, pha trà để kiếm thêm chút tiền còm mua sách vở cho chị em tôi đi học. Sáu giờ má tất tả về nhà lo cho chúng tôi ăn sáng và đến trường. Bảy giờ má trở lại bệnh viện lau cầu thang, lau sàn, cọ rửa nhà vệ sinh, thay trải giường cho người bệnh, gom rác đem đi đốt… Sau năm giờ chiều, má còn nhận giặt thuê quần áo cho những bệnh nhân khá giả. Đến tám giờ tối má mới về đến nhà, mệt rã rời.

Hôm nào mưa gió má về sớm hơn. Má mua về cho chị em tôi mỗi đứa một trái bắp nướng hay một túi đậu nành rang thơm giòn. Mấy chị em nằm bên má trên một manh chiếu rách, nghe má kể chuyện đời xưa. Thằng út Tài sợ lạnh cứ ôm chặt má mà khen sao má ấm quá. Thằng Thành nhõng nhẽo đòi má gãi lưng. Cũng có khi má dạy chúng tôi những bài hò, bài vè để cả nhà thành một "dàn đồng ca" rất ăn ý, rất vui nhộn, mặc ngoài kia gió thổi mưa tuôn…

Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ tôi, má làm một mâm cơm tươm tất. Rồi má thắp mấy nén nhang thơm, gọi hết bốn chị em tôi lại bên bàn thờ mà nói: "Đây là mẹ ruột của các con, người đã sinh ra và nuôi nấng các con. Tuy mẹ các con mất rồi nhưng ở trên trời mẹ các con vẫn luôn phù hộ cho các con mạnh khỏe". Vào ngày giỗ ba, má cũng làm như vậy. Ngày ấy cũng như mãi tới bây giờ cũng vậy, tôi vẫn tin ba mẹ tôi ở trên trời nhìn thấy chúng tôi.

Có một sáng người ta đưa má về. Chân má bị phỏng nước sôi do một bệnh nhân chạy vấp vào má. Vết phỏng rất lớn. Do ăn uống thiếu thốn, sức đề kháng yếu nên chỗ phỏng trên chân má rất lâu không lành, cứ sưng lên đau nhức. Má mất ngủ nhiều, ốm rạc như con cò. Chị hai khóc, năn nỉ má cho đi đổ nước thay má mà má không cho đi. Rồi má nén đau, cố lê chân đi làm trở lại. Về sau vết bỏng ở chân má làm sẹo, một sẹo lồi nhăn nhúm chạy từ cổ chân đến hết mu bàn chân trái. Dáng má đi không còn tự nhiên nữa.


Dì tư Tím mua được một căn nhà ở gần chợ, bán rẻ căn nhà lá cho má con tôi. Năm đó chị hai tôi thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Thương má cực nhọc, chị định bỏ học đi làm thuê. Má cương quyết không cho. Chưa bao giờ má cương quyết như vậy. Thắp nén nhang trên bàn thờ ba, má khấn (cốt cho chị hai nghe): "Con gái lớn của mình định bỏ học. Khi về nơi chín suối, em biết nhìn anh sao đây…".

Chị hai khóc, xin lỗi má rồi chấp nhận đi học. Hai năm sau tôi cũng vào đại học và cũng được má sắp soạn vali quần áo cho tôi rồi đưa đi. Mở cái vali ra nhìn mà thương má đứt ruột: ngoài quần áo, má còn bỏ vào kim chỉ, dầu gió, tem thư, bông băng thuốc đỏ, thuốc cảm…

Dường như má có thể gói trọn sự thương yêu của má vào trong từng thứ một. Bốn năm, chị em tôi ra trường lênh đênh tìm việc thì cũng là lúc thằng Thành vào Đại học Luật TP.HCM và năm sau nữa là thằng Tài vào Đại học Y Cần Thơ. Làm sao đong được sự vất vả, cực nhọc của má lúc ấy. Lưng má còng đi, tóc đã lốm đốm bạc, da tay chai sần.

Nhiều năm trôi qua má lần lượt dựng vợ gả chồng cho ba đứa con lớn. Thằng Tài vẫn ở với má và chưa có gia đình riêng. Giờ nó là bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện mà xưa má làm hộ lý. Nó tâm sự rằng hễ đi trực đêm mà nghe tiếng rao "nước sôi đây" là giật mình thảng thốt tưởng như tiếng má, nghẹn thắt cả lồng ngực.

Những ngày rảnh rỗi, chị em tôi dẫn lũ con về với má cho má vui. Đám trẻ quấn quít với má không rời nửa bước. Đứa nhổ tóc sâu, đứa bóp tay, đứa bóp chân cho bà. Một lần bé Du con tôi xoa vào vết sẹo trên chân má mà nói: "Bà ngoại ơi, con bị phỏng tay có một chút đã đau ghê. Ngoại phỏng nhiều vậy chắc là khiếp lắm…" Má tôi cười: "Lâu quá, ngoại quên mất rồi".

Một chiều mưa tôi về thăm má, nằm bên má tâm sự chuyện chồng con. Mưa ầm ào, mưa tầm tã, tôi kêu lạnh má liền kéo mềm đắp cho tôi, tôi thì lại đắp cho má y như lúc tôi còn nhỏ ngủ chung với má vậy. Chân tôi lạnh tôi tìm hơi ấm nơi chân má. Tôi chạm vào vết sẹo trên cổ chân má, cái vết sẹo đã thành thân thuộc với tôi vậy mà tự nhiên tôi rơi nước mắt.

Nghĩ lại, tôi có chồng có con, vợ chồng tôi luôn quấn quít đầm ấm… Còn má, má chỉ được hạnh phúc làm vợ trong ba năm lẻ. Trong những năm tháng dằng dặc sau này, chắc cũng có lúc má khát khao một hạnh phúc riêng tư, cũng có lúc má cô đơn, mệt mỏi mà không có ai chia sẻ. Má ơi, sự lựa chọn của má sao nghiệt ngã quá vậy!

Đã bao lần má kể cho các con tôi nghe những câu chuyện cổ tích về công chúa, về hoàng tử, về các cô tiên xinh đẹp… Một ngày kia con tôi lớn lên, tôi sẽ kể cho các con tôi nghe về "Bà Tiên" của chị em tôi, bà tiên tóc bạc, dáng đi hơi khập khiễng vì một vết sẹo dài… Truyện cổ tích má viết cho chúng tôi bằng cả sự nhọc nhằn, sự đau đớn, bằng nước mắt, mồ hôi và bằng cả cuộc đời của má.

LÊ THÚY BẢO NHI
(Tuổi Trẻ Online 24/04/2004)

Tuesday, March 7, 2023

Triết lý: nước và chiếc chén, chỉ rõ nguồn gốc của phiền não.

Có một lần, mấy người chúng tôi là bạn học lâu năm gặp lại, cùng hẹn nhau đến nhà thầy giáo thời đại học. Thầy giáo rất vui mừng, hỏi chúng tôi cuộc sống hiện tại của mỗi người như thế nào.

Không ngờ chỉ một câu hỏi của thầy đã khiến mọi người phàn nàn không thôi. Mọi người nhao nhao nói ra những việc không như ý trong cuộc sống như: Áp lực công việc lớn, cuộc sống có nhiều phiền não, buôn bán cạnh tranh khó khăn, con đường thăng tiến tắc nghẽn.

Dường như mọi người đều nói quên mất thời gian. Thầy giáo nghe chỉ cười mà không nói gì, rồi từ trong bếp lấy ra mấy chén trà đặt ở trên bàn.

Những cái chén này đủ kiểu dạng khác nhau. Có cái làm bằng sứ, có cái làm bằng thủy tinh, có cái làm bằng đất nung. Cái thì thoạt nhìn xa hoa cao quý, cái thì có vẻ bình thường sơ sài.

Thầy giáo nói: "Tất cả đều là học trò của ta, cho nên ta sẽ không xem mọi người là khách, nếu ai khát thì tự mình rót nước mà uống đi."

Nói nãy giờ như xả được một bụng tâm sự, mọi người đều cảm thấy khát khô miệng, liền cầm cái chén mà mình cảm thấy vừa ý rót nước uống.

Chờ trong tay mọi người đều cầm một chén nước, lúc này thầy giáo mới nói: "Các trò có phát hiện ra rằng, trong tay mỗi người là một cái chén được trang trí tỉ mỉ đẹp nhất, tốt nhất. Còn cái chén làm bằng đất nung này thì lại không có ai chọn nó."

Đương nhiên tất cả chúng tôi thấy thật khó hiểu, ai cũng đều hy vọng rằng cái chén mình cầm trên tay là cái đẹp nhất.

Thầy giáo nói: "Đây là nguồn gốc phiền não của các trò."

Mọi người cần là thứ nước bên trong mà không phải là cái chén đựng nó. Nhưng chúng ta vô tình hay cố ý lại đi chọn cái chén tốt nhất.

Điều này cũng giống như cuộc sống của chúng ta vậy.Nếu cuộc sống được ví là nước như vậy thì công việc tiền bạc, tiền bạc , địa vị tất cả những thứ này chính là cái chén chúng chỉ là thứ công cụ để chứa đựng nước-cuộc sống của chúng ta mà thôi

Kỳ thực, cái chén thật tốt, thật đẹp hay xấu xí cũng không làm ảnh hưởng chất lượng của nước bên trong. Nếu cứ hoài phí tâm tư ở cái chén thì mọi người sao còn có thể có tâm tư để ý đến vị ngọt đắng của nước nữa. Đây không phải là tự tìm phiền não sao?

(Sưu tầm)

Monday, March 6, 2023

ÔNG CHĂM BÀ

Tác giả bài viết: Thu Hoàng.
Đang ngủ, ông giật mình thức giấc vì một thứ nước ấm ấm chảy dưới lưng. Quờ tay sang bà, thì ra bà đái dầm mà vẫn thấy ngủ ngon lành.
"bà dậy thay quần đi, ướt hết rồi" ông lay bà dậy để thay ga giường. Bị đánh thức bà làu bàu, mắt nhắm mắt mở  một tay  tụt quần, một tay mở cánh tủ lôi luôn  cái quần đùi của ông mặc vào. "Ơ cái bà này sao lại lấy quần đùi của tôi mặc?". Vừa nhắm mắt bà vừa nói: "Quần nào chẳng là quần, ông có hàng chục cái, tôi mặc mỗi một cái mà cũng nói". Nói xong bà lại nằm lăn ra ngủ. Nhìn bà nằm ngủ vô tư như một đứa trẻ mà ông thấy thương vô cùng.
     Ông ngồi ngắm bà  khuôn mặt nhăn nheo toàn đồi mồi, đôi mắt nhắm tịt sâu hoắm, mồm há ra ngáy tiếng ngáy to như tiếng chạy Roda xe máy mới, đôi tay gầy gộc chỉ thấy toàn gân xanh nổi lên loằng ngoằng như những con giun đất. Vậy mà hơn 60 năm trước bà là một sơn nữ đẹp nức tiếng một vùng, còn ông là một cán bộ miền xuôi lên miền ngược công tác, vì si mê vẻ đẹp của bà nên ông đã ở lại miền núi và coi quê hương của bà là quê hương của mình. Để lấy được bà, ông đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, bị bố của bà phản đối vì ông là người kinh, biết bao đêm ông trồng cây si trước cửa nhà bà, bị bố bà thả chó ra đuổi, vác gậy ra doạ đánh. Ông vẫn quyết lấy bà cho bằng được, bên dòng họ ông dưới xuôi cho rằng ông đã bị bỏ "bùa mê", nhưng ông biết rằng không phải thế: ông yêu bà vì vẻ đẹp thánh thiện, vì sự dịu dàng, nết na của bà. Lấy ông xong một mạch hơn 60 năm bà là một người phụ nữ vô cùng tuyệt vời, đẻ cho ông 4 đứa con đủ nếp, đủ tẻ, dựng vợ gả chồng, trông cháu cho cả 4 đứa con kể cả chăm sóc bản thân ông. Còn ông chỉ biết lo công tác, làm cán bộ đến lúc về hưu chưa một lần ông phải nấu cơm, giặt rũ,  làm việc nhà, ông thấy việc bà  làm là đương nhiên.
    Rồi đến một hôm bà kêu mệt và đi ngủ, mãi không thấy bà dậy nấu cơm ông vào gọi thì thấy bà đã hôn mê, bà bị xuất huyết não may mà được cứu chữa kịp thời, nhưng khi tỉnh lại thì trí óc bà không còn minh mẫn nữa nhớ nhớ quên quên, tính tình  thay đổi hẳn lúc thì như trẻ con, lúc thì cáu gắt chửi bới, lúc khóc, lúc cười...
Từ đó ông phải chăm sóc bà và tự lo cho bản thân mình. Ông phải lo cho bà từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm rửa vệ sinh ..., lúc nào cũng phải để mắt tới bà, sểnh ra là bà chạy đi chơi. Có một lần do ông mải công việc nên bà trốn đi chơi nhưng không biết đường về, ông hốt hoảng đi tìm nhưng không thấy, may sao đến khoảng 12h trưa thì có người dắt bà về họ nói thấy bà giữa trưa nắng không mũ nón cứ đi lang thang ngó nghiêng từng nhà,  hỏi thì bà bảo "bà tìm đường về nhà, nhưng không biết đường, chỉ nhớ trước nhà có giàn hoa màu tím" nên họ đưa về.  
    Miên man ông nghĩ, mặc dù phải chăm sóc bà nhưng ông vẫn thấy vui: vui vì vẫn còn bà ngày ngày bên cạnh nói chuyện cùng ông, nhưng câu chuyện không đầu, không đuôi, lúc tỉnh, lúc mê của bà    
làm cho ông thấy ấm lòng. Có những lúc ông nghĩ dại nếu có ngày nào đó một trong hai người đi trước thì phải làm sao? Ông đi trước thì ai lo cho bà đây? Ông lo lắng lắm, còn nếu bà đi trước thì ông sẽ cô quạnh biết bao.  
   Nghĩ đến đây thì thấy bà cựa quậy, sờ soạng rồi bật dậy mếu máo khóc: "hu hu tiền của tôi
đâu đứa nào ăn cắp rồi...". Ông dậy lấy bọc tiền lẻ trong cái quần vừa thay ra của bà: "đây tiền bà đây có ai cắp đâu mà bà khóc". Vồ lấy bọc tiền bà mở ra bắt đầu ngồi
đếm./.
Thu Hoàng.