Saturday, November 21, 2020

Lên sáu

Tác giả: Tản Đà

Sách quốc ngữ,
Chữ nước ta.
Con cái nhà,
Đều phải học.
Miệng thì đọc,
Tai thì nghe.
Chớ ngủ nhè,
Chớ láu táu.
Con lên sáu,
Đang vỡ lòng,
Học cho thông,
Thầy khỏi mắng.

Trong trời đất,
Nhất là người.
Ở trên đời,
Hơn giống vật.
Con bé thật
Chưa biết gì
Còn ngu si
Phải dạy bảo
Cho biết đạo
Mới nên thân
Sau lớn dần
Con sẽ khá.

Ai đẻ ta?
Cha cùng mẹ.
Bồng lại bế,
Thương và yêu.
Ơn nhường bao,
Con phải ngẫm:
Áo mặc ấm,
Mẹ may cho.
Cơm ăn no,
Cha kiếm hộ.
Cha mẹ đó,
Là hai thân.

Hai thân là,
Là thân nhất,
Trong trời đất,
Không ai hơn.
Con biết ơn,
Nên phải hiếu.
Nghĩa chữ hiếu,
Đạo làm con,
Con còn non,
Nên học trước.
Đi một bước,
Nhớ hai thân.

Con còn nhỏ,
Có mẹ cha,
Lúc vào ra,
Được vui vẻ.
Con còn bé,
Mẹ hay chiều,
Thấy mẹ yêu,
Chớ làm nũng.
Đã đi học,
Phải cho ngoan,
Hay quấy càn,
Là chẳng hiếu.

Con còn bé,
Mẹ hay lo,
Ăn muốn cho,
Lại sợ độc.
Con ốm nhọc,
Mẹ lo thương,
Tìm thuốc thang,
Che nắng gió.
Con nghĩ đó,
Sao cho ngoan,
Hay ăn càn,
Là chẳng hiếu.

Anh em ruột,
Một mẹ cha,
Mẹ đẻ ra,
Trước sau đó.
Cùng máu mủ,
Như tay chân,
Nên yêu thân,
Chớ ganh tị.
Em coi chị,
Cũng như anh,
Trước là tình,
Sau có lễ.

Người trong họ,
Tổ sinh ra,
Ông đến cha,
Bác cùng chú.
Họ nội đó,
Là tông chi,
Cậu và dì,
Về họ mẹ.
Con còn bé,
Nên dạy qua,
Còn họ xa,
Sau mới biết.

Người trong họ,
Có bề trên,
Lạ hay quen,
Đều phải kính.
Có khách đến,
Không được đùa,
Ai cho quà,
Đừng lấy vội.
Ông bà gọi,
Phải dạ thưa.
Phàm người nhà,
Không được hỗn.

Con bé dại,
Mải vui chơi.
Muốn ra người,
Phải chăm học.
Miệng đang đọc,
Đừng trông ngang.
Học dở dang,
Đừng có chán.
Học có bạn,
Con dễ hay.
Mến trọng thầy,
Học chóng biết.

Dậy con biết,
Phép vệ sinh:
Ăn quả xanh,
Khó tiêu hoá.
Uống nước lã,
Có nhiều sâu.
Áo mặc lâu,
Sinh ghẻ lở.
Mặt không rửa,
Sinh u mê.
Đang mùa hè,
Càng phải giữ.

Các giống vật,
Thật là nhiều:
Như con hươu,
Ở rừng cỏ.
Như con chó,
Nuôi giữ nhà.
Con ba ba,
Loài máu lạnh.
Loài có cánh,
Như chim câu.
Còn loài sâu,
Như bọ róm.

Cây và cỏ,
Có khác loài,
Trông bề ngoài,
Cũng dễ biết.
Như cây mít,
Có nhiều cành.
Lúa, cỏ gianh,
Có từng đốt,
Còn trong ruột,
Lại khác nhau.
Vài năm sau,
Con biết kỹ.

Đá bờ sông,
Không sống chết,
Không có biết,
Không có ăn,
Không người lăn,
Cứ nằm đây.
Như đá cuội,
Như đá xanh,
Như mảnh sành,
Như đất thó,
Các vật đó,
Theo loài kim.

Các loài kim,
Tìm ở đất.
Nhất là sắt,
Nhì là đồng,
Làm đồ dùng,
Khắp trong nước.
Như vàng bạc,
Càng quý hơn,
Đúc làm tiền,
Để mua bán,
Ai có vạn,
Là người giàu.

Vốn xưa là,
Nhà Hồng Lạc,
Nay tên nước,
Gọi Việt Nam.
Bốn nghìn năm,
Ngày mở rộng.
Nam và Bắc,
Ấy hai miền,
Tuy khác tên,
Đất vẫn một.
Lào, Miên, Việt,
Là Đông Dương.

Đầu trị nước,
Đức Kinh Dương.
Truyện Hùng Vương,
Mười tám chúa.
Qua mấy họ,
Quân Tàu sang.
Vua Đinh Hoàng,
Khai nghiệp đế.
Trải Đinh, Lý,
Đến Trần, Lê,
Nay nước ta,
Là nước Việt.

Chữ nước ta,
Ta phải học,
Cho trí óc,
Ngày mở mang.
Muốn vẻ vang,
Phải làm lụng,
Đừng lêu lổng,
Mà hư thân.
Nước đang cần,
Người tài giỏi,
Cố học hỏi,
Để tiến nhanh,
Vừa ích mình,
Vừa lợi nước.
Chớ lùi bước,
Lả kẻ hèn.

Đây là thơ giáo khoa do Tản Đà làm cho trẻ em lên sáu tuổi, viết năm 1919.
Nguồn: Lên sáu, Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản, 1924

Saturday, November 14, 2020

Tám câu chuyện nhỏ chứa đựng bài học lớn

Có những câu chuyện tuy chỉ vọn vẻn mấy chữ nhưng lại có thể chứa đựng đạo lý sâu xa. Thế nên trong cuộc sống này, đôi khi lời ít ý nhiều, quan trọng ở sự cảm thụ của người nghe.

 

Câu chuyện thứ nhất
Ngày xưa, một cặp vợ chồng nọ đã phải đi gặp Thần Chết.
Vị Thần Chết nói: "Hai người các ngươi chỉ có thể sống một người, các người hãy oẳn tù tì, người thua thì phải chết".
Hai lần oẳn tù tì trước đó cả hai vợ chồng đều ra giống nhau; đến lần thứ ba, người chồng lại thua…Thần Chết thở dài nói: "Vốn dĩ chiếu theo lệ của ta, nếu như các ngươi ba lượt đều ra giống nhau, ta sẽ thả các ngươi ra, không muốn phải dùng đến lần thứ tư để phân thắng bại".
Nghe xong, người vợ ôm chằm lấy người chồng tấm tức mà rằng: "Đã nói là 3 lần đều cùng nhau ra búa, tại sao lần thứ ba tôi ra cái kéo thì anh lại ra bao."
Thực tế, đây chính là nhân tâm, là sự ích kỷ và ngốc ngếch của bộ phận một nhóm người, tính toán với người khác cuối cùng thành ra tính toán với chính mình. Khi người ngu ngốc muốn thua, kỳ thực anh ta đã thắng rồi. Cho nên, nếu lúc nào cũng lương thiện…thì bạn đã là người thắng cuộc! Làm người hãy luôn giữ trong tâm sự phúc hậu, lương thiện vậy.

Câu chuyện thứ hai
Một người lính bị quân địch tập kích, phải chạy trốn vào hang núi.
Khi quân địch đuổi theo sát sau lưng, anh ta đành trốn trong hang, thầm cầu nguyện kẻ địch không thể phát hiện ra mình. Đột nhiên, cánh tay anh ta cảm thấy nhồn nhột ớn lạnh, quay lại nhìn thì phát hiện ra một con nhện, anh ta định bóp chết nó nhưng đột nhiên sinh lòng thương cảm nên thả nó ra.
Không ngờ, nhện bò đến cửa hang dệt một mạng lưới mới. Quân địch đuổi tới hang núi thì thấy một mạng nhện còn nguyên lành, đoán rằng không có ai trong hang nên kéo nhau bỏ đi.
Thế nên, nhiều khi, đối xử tử tế người khác đồng thời cũng là đang giúp chính mình.


Câu chuyện thứ ba
Một hành giả hỏi lão hòa thượng: "Trước khi đắc Đạo, ngài làm gì?
Lão hòa thượng: "Đốn củi, gánh nước, nấu cơm".
Hành giả hỏi: "Vậy đắc Đạo rồi thì sao?"
Lão hòa thượng: "Đốn củi, gánh nước, nấu cơm".
Hành giả lại hỏi: "Vậy thế thì có gì khác với lúc chưa đắc Đạo?"
Lão hòa thượng: "Trước khi đắc đạo, khi đốn củi thì lo lắng đến gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ chuyện nấu cơm; đắc Đạo rồi, đốn củi thì cứ đốn củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì cứ nấu cơm".
Đại Đạo chí giản chí dị, tâm giản dị chính là Đạo.

 

Câu chuyện thứ tư
Một người đàn ông ôm chính đứa con khoảng 10 kg của chính mình thì sẽ không thấy mệt, vì đó là điều anh ta ưa thích; nhưng cũng người đàn ông này mà bảo anh ta ôm một hòn đã nặng 10 kg, anh ta chắc chắn sẽ kiên trì không được bao lâu.
Phàm một người không thích làm việc nào đó, thì dù anh ta có tài hoa hơn người, cũng không cách nào phát huy; còn một người một khi thích làm việc gì đó, thì anh ta sẽ phát huy hết năng lực của mình, làm cho cả anh cũng phải chấn động. Vì thế, một người không có thành tích gì, không nhất định là anh ta không có năng lực, rất có thể là vì không ưa thích mà thôi.

Câu chuyện thứ năm
Trong Thế Chiến II, một gia đình Do Thái bị bức hại, người con trai cả và trai út chia nhau ra đi tìm người giúp đỡ.
Người con trai cả đi tìm người từng giúp đỡ mình, người con trai út cậy đến những người bản thân từng được anh ta giúp đỡ. Kết quả là người con trai cả được cứu, người con trai út thì bị bán đứng.
Người yêu thương bạn sẽ một mực nguyện vì bạn mà phó xuất rất nhiều; người bạn yêu thương không nhất định sẽ nguyện ý vì bạn mà phó xuất. Trong cuộc sống này, những ai thật sự trung thành đối với bạn đều là những người yêu thương bạn, từng ban cho bạn ân huệ.


Câu chuyện thứ sáu
Quạ đen bay đến hướng đông, gặp được bồ câu. Cả hai đều đứng trên một gốc cây nghỉ ngơi, bồ câu thấy quạ đen bay rất vất vả, mới quan tâm hỏi han: "Anh muốn đi đâu vậy?"
Quạ đen căm giận đáp: "Kỳ thực ta không muốn rời đi, nhưng người dân nơi này đều ghét bỏ tiếng kêu không hay của ta".
Bồ câu mới tốt bụng nói: "Đừng phí sức, nếu như anh không thay đổi được tiếng kêu của mình, thì dù bay đến đâu, anh cũng đều sẽ không được hoan nghênh đâu".
Làm việc cũng thế, thay đổi mục tiêu không bằng thay đổi phương thức; thay đổi hoàn cảnh không bằng thay đổi chính mình.

Câu chuyện thứ bảy
Một con lừa vô ý rơi vào giếng cạn, mọi người nghĩ cách cứu nó nhưng không ai thành công; họ liền quyết định chôn luôn con lừa. Con lừa đau xót kêu to, nhưng khi bùn đất rơi xuống, nó lại bình tĩnh một cách bất ngờ.
Nó cố gắng đứng trên bùn đất đang rớt xuống ầm ầm và giẫm nát bùn đất dưới chân, cố gắng đứng cao hơn một chút. Cứ như vậy, nó theo bùn đất rớt xuống mà không ngừng lên cao. Cuối cùng, trong sự kinh ngạc của mọi người, con lừa bước ra khỏi giếng cạn.
Thời khắc mấu chốt có thể cứu bạn, thì chỉ có chính bạn thôi.

Câu chuyện thứ tám
Một người trẻ tuổi chán nản đi tìm kiếm sự thành công. Một triết gia bèn cho anh ta quả lạc và nói: "Hãy dùng sức nắn nó!"
Người trẻ tuổi dùng sức nắn nó; quả lạc bị vê nát, chỉ còn lại hạt bên trong. Triết gia lại bảo anh ta chà xát nó, kết quả chà xát ra được phần vỏ ngoài màu đỏ, chỉ còn lại phần hạt trăng trắng. Triết gia lại bảo anh ta tiếp tục chà xát nó, nhưng bất luận dùng sức thế nào, anh ta không thể vê nát được phần hạt trắng này.
Triết gia bèn nói: "Dù rằng nhiều lần trắc trở, nhiều lần thất bại, nhưng điều then chốt nhất là phải có được một trái tim kiên định".

(Theo Internet)

Sunday, November 8, 2020

LÁ RỤNG NƠI THIÊN ĐƯỜNG

Tác Giả: Thanh Kim Pham (SaigonEcho, 21 Tháng 7 Năm 2012)

Chiếc lá vàng, chỉ chờ một cơn gió nhẹ để trở về với lòng đất...
- Này ông,
- Gì, để tôi ngủ thêm tí nào
- Dậy đi, chở tôi ra chợ hoa bằng xe đạp đi
- Sao hôm nay bà lại giở giời thế này. Ra mua cái vé tàu điện ngầm mà đi chợ... Bà lão thân yêu ơi, cho tôi ngủ thêm tí nữa thôi mà...?
Lèm bèm, năn nỉ đủ cách mà chả được, ông cũng đành dậy.

Hai ông già bà cả đèo nhau trên cái xe đạp của thằng cháu. Thời buổi động một tí là người ta đi tàu ngầm, ô tô, hai ông bà trên cái xe đạp làm bao nhiêu người đi bộ phải ngoái nhìn.
- Lát ông phải mua hoa tặng tôi nhé.
- Ừ, mua cho bà 
một củ khoai ngay đây.
- Ơ, tôi bảo mua hoa cho tôi mà.
- Mua cho bà củ khoai để bà ngồi ăn, đỡ ngồi réo sau lưng tôi nữa.
Gió thổi dìu dịu theo những bánh xe quay. Tia nắng vàng chảy tràn những con phố thân thuộc. Bà dựa vào lưng ông, tận hưởng cảm giác bình yên thư thái. Những kỉ niệm xưa ùa về trong tâm trí, mờ ảo nhưng vẫn thật lung linh ấm áp. Những lần đưa đón, hẹn hò, giận dỗi... Ông im lặng, có lẽ ông cũng đang nhớ lại thuở đẹp đẽ xưa kia.

Hai ông bà ra chợ hoa, xong cũng chả mua gì. Ông thì không có hứng thú với hoa hoét, bà thì xem xem ngắm ngắm xong rồi cũng chả chọn hoa nào. Chợt ông bật cười:
- Cứ y như cách đây bốn chục năm ý nhỉ. Bà vẫn là cái đồ kiết xu như trước.
- Còn ông gạch ngói bốn mươi năm vẫn chẳng mòn.
Bà cười thật lớn. Nhưng thật sự bà đang cảm thấy rất mệt. Gần đây bà thường xuyên bị lả người và gầy đi rất nhiều. Chiếc lá vàng, chỉ chờ một cơn gió nhẹ để trở về với lòng đất...

Hôm nay là sinh nhật ông vì thế mà bà "giở giời" như vậy. Ở cái tuổi răng đã lung lay cả hàm thế này nói đến chữ “sinh nhật” có vẻ không hợp, và ở tuổi này thì còn ai mà nhớ đến ngày sinh nữa đâu. Nhưng bà có một linh cảm, có lẽ đây là lần sinh nhật cuối cùng của ông mà còn có bà ở bên...
- Cho ông hôm nay qua nhà mấy ông hàng xóm chơi điện tử đấy
- Thật á, bà lão hôm nay được ăn củ khoai xong nên tử tế hẳn

Bà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những món ăn ông thích nhất. Bà cũng ra hiệu bánh đặt một chiếc bánh gateau nho nhỏ. Cuối tuần, cả nhà đi vắng hết. Thế lại hay, bà muốn dành khoảng thời gian đặc biệt này với riêng mình ông. Đang chuẩn bị nốt nến để thắp bánh thì bà bỗng thấy tối sầm lại. Bà cố đi vào phòng, ra chiếc giường và nằm xuống nghỉ.
- Bà nó ơi, hôm nay tôi đánh thắng to nhé, các lão ấy bị tôi cho ăn hành tơi tả.

Không có tiếng trả lời, dự cảm chẳng lành, ông chạy ngay vào phòng của hai người và thấy bà đang nằm đó. Trông bà rất yếu.
- Bà nó ơi, bà sao thế?
- Ông... tôi mệt lắm... Ông ra chỗ bếp mang bánh sinh nhật và nến vào đây.
Lúc này ông mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình. Ông cảm thấy điều gì đó không ổn, nhưng ông không hỏi nữa và ra bếp lấy bánh vào.
- Giờ tôi mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật tôi đấy. Bà cầu kỳ thế này. Bà nó ơi, bà nó thấy mệt lắm à, để tôi gọi bác sỹ đến xem nhé.
Bà mỉm cười.
- Ông ơi... Tôi thấy mình đã đến lúc lên thiên đường rồi.
- Bà nói gì thế, đừng nói nữa! Chỉ vớ vẩn.
Ông thấy sợ hãi khi nghe bà nói thế

- Ông để tôi nói... Tôi làm những món ông thích nhất... và có cả bánh gateau nữa... Sinh nhật của ông lần cuối cùng mà tôi có thể ở bên... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi có ông bầu bạn từng ấy năm...... Ông ở lại mạnh khỏe và chăm lo cho con cháu nhé...
Nước mắt lăn dài. Ông biết là ngày này sẽ đến nhưng ông vẫn cảm thấy không trụ vững nổi khi đối mặt với giây phút đó. Ông cầm tay bà, run rẩy, và ông nói trong nước mắt.
- Bà lão ơi, làm sao tôi có thể ở lại mà không có bà...
- Tôi muốn... nghe... điều ước... trong sinh nhật... của ông...
Ông nghẹn ngào và tưởng chừng trái tim mình cũng đang rời khỏi cơ thể để đi theo người vợ thân thương.
- Gặp bà và chung sống với bà là mọi điều ước của tôi đã thành hiện thực rồi. Nếu có ước tôi chỉ ước được gặp bà sớm hơn, bà lão ạ.

Bà nở nụ cười cuối cùng và nhắm mắt...
Bà đã có một thiên đường ở trần thế này. Giờ chỉ là đi đến 
một thiên đường khác, và chờ ông ở đó...