Sunday, June 18, 2023

Wo Wang - Từ Phụ hay Hiền Phụ

Tác giả: Wo Wang

Hôm nay là ngày lễ "Từ Phụ" bên Mỹ này, nên sáng nay có người bạn hỏi WW rằng:
- Hôm nay là ngày lễ của cha (ba, phụ thân), vậy mình dùng chữ ngày lễ "Hiền Phụ" được không, hay là dùng chữ "Từ Phụ" mới đúng?
WW nghe hỏi xong mới trả lời rằng:
- Trong tự điển Hán-Việt có hai chữ "Từ Phụ" để chỉ người cha hiền lành, luôn yêu thương mái ấm gia đình và cố chăm lo cho con cái được bình an, cơm no, áo ấm v.v...  Sau đó WW ngừng lại vài giây rồi mới nói tiếp:
- Tự điển Hán-Việt có hai chữ "Hiền Mẫu", nhưng không có hai chữ "Hiền Phụ", bởi vì khi mà hai chữ này tách ra nghĩa của từng chữ một, có thể làm cho người nghe dễ hiểu lầm, vì chữ "Hiền" thì ai cũng biết rồi, nhưng chữ "Phụ" có thể là "Phụ Nữ", hay "Phụ Thân" v.v...Nên hai chữ "Hiền Phụ" tuy không có trong tự điển Hán-Việt, nhưng đã được đa số hiểu ngầm là để chỉ về người phụ nữ ngoan hiền (hiền thục), hay người vợ hiền (như Hiền Thê = Vợ ngoan hiền, giỏi giang v.v...).
Người bạn nghe WW trả lời xong, đã vui vẻ và thích sự trả lời của WW nên đã nói với WW là:
- Ô vậy là từ nay XXX sẽ dùng hai chữ "Từ Phụ" cho ngày lễ của cha (ba, phụ thân).
WW chúc tất cả những ai là cha hoặc sắp được làm cha ngày lễ "Từ Phụ" hôm nay được nhiều vui vẻ và hạnh phúc bên mái ấm gia đình  cha cha cha ......

Wo Wang

Friday, June 16, 2023

Cuộc đời này, biết bao người đã thua ở một chữ: đợi

(Sưu tầm)

Thời gian tựa như dòng nước trôi không ngừng nghỉ, nếu chúng ta không trân quý từng phút giây trong cuộc sống, thì nó sẽ vụt qua rất nhanh, dù có tiền nhiều đến mấy cũng chẳng thể mua lại được.

Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc, khi gặp được thiền sư đã hỏi ông rằng: "Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?".

Lúc đó Thân Loan trả lời: "Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia".

Vị thiền sư nói: "Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!".

Thân Loan nghe xong liền nói: "Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi, sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?".

Vị thiền sư nghe xong liền nói:"Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ".

Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi.

Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ "đợi": Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

Đặc biệt có rất nhiều các bậc cha mẹ, ngày qua ngày vẫn đang chờ đợi trong mỏi mòn…

Chờ con biết đi rồi mới an tâm
Chờ con đi học mới an tâm
Chờ con thi đậu đại học mới an tâm
Chờ con tìm được công việc mới an tâm
Chờ con tìm được người bạn đời mới an tâm
Chờ con kết hôn mới an tâm
Chờ con sinh em bé mới an tâm
Chờ cháu biết đi mới an tâm
Chờ cháu đi học mới an tâm
Chờ cháu thi đậu đại học mới an tâm…

Đáng tiếc, cuối cùng bọn họ đều chưa kịp hưởng thụ cuộc sống, đã vội rời khỏi thế gian này.

Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi…

Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.

Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có ý nghĩa mới là quan trọng nhất. Quý trọng duyên phận, quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình.

(Sưu tầm trên mạng)

Sunday, June 11, 2023

Lời Nhủ Bạn 4.1

Tác giả: Châu Thái Lê

Con trai ơi, ngày mai mày lấy vợ
mừng có mừng, tao vẫn sợ ớn da
ngày mai này mày thuộc về người ta
biết may rủi phận mười ba bến nước
bạn chí cốt thương mày tao dặn trước
có vợ rồi chớ đi ngược về xuôi
thôi nhé con, từ giã những cuộc vui
ngày chí tối lo lui cui cày cấy
bao nhiêu người đi qua mày đã thấy
được mấy ai thoát ải - Lệnh Của Bà
chỉ con vịt vợ bảo - đấy con gà !
vâng mày ạ, cho yên nhà yên cửa
đừng than trách bởi tự mình chọn lựa
bỏ vỏ dưa sợ gặp nữa vỏ dừa
số trời dành không thiếu cũng chẳng thừa
đời vẫn thế như khi mưa lúc nắng
có giận vợ thì cũng đừng quở mắng
vì đàn bà nói nặng họ nhớ dai
trót sinh ra làm phận râu mày
là hiểu trước đã có ngày thua thiệt
vợ lớn tiếng cọc cằn, mình giả điếc
sợ gì ai lỡ biết sẽ chê cười
miệng thế gian năm họ nói thành mười
giỏi đốc xúi, giúp lời ai giúp của
mình nhẫn nhịn hiền lành thì có bữa
vợ động lòng tự sửa tính hung hăng
dù số xui gặp vợ dữ như chằng
nên độ lượng, khuyên răn nhỏ nhẹ
đá dẫu cứng nước chảy hoài khe khẽ
nhu chế cương là lý lẽ thắng người
đàn bà thường nói ngọt họ sẽ cười
tới chừng đó mặc sức mày dụ khị
thôi, đến đây thơ cũng vừa cạn ý
gẫm thân tao mà thấy đỡ lo
hứa tận tình thở không khí tự do
e đến lúc treo dzò rời sân cỏ
ngày mai sang ngang, dĩ vãng thôi từ bỏ
còn địa chỉ mấy em thì vất đó cho tao ...
Châu Thái Lê

Saturday, June 10, 2023

MỘT SỐ CỔ NGỮ TIẾNG VIỆT

Tác giả: Vô Danh
(Bâng Khuâng sưu tầm đăng ở https://phudoanlagi.blogspot.com/2019/08/mot-so-tu-ngu-co-viet-nam-hien-nay-van.html )

Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những chữ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả sâu sắc nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng…  Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai. 

Dưới đây là một số chữ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.      

  * YÊU DẤU 

Chúng ta vẫn thường nói: "Em yêu dấu."  "Yêu" thì hiểu rồi, nhưng "dấu" nghĩa là gì?

"Dấu" là một chữ cổ, sách "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của giảng: "Dấu" nghĩa là "yêu mến."  "Từ điển Việt-Bồ-La" của Alexandre de Rhodes (1651) cũng giải thích "Dấu" là một chữ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là "bùa để làm cho yêu." 

Tục ngữ Việt Nam nói "Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu," còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ "Cái quạt giấy" (bài hai) thì viết "Chúa dấu vua yêu một cái này." Có thể thấy, "Dấu" và "Yêu" là hai chữ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai chữ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy chữ "yêu" vẫn còn được viết hay nói một mình, còn chữ "dấu" thì không ai dùng một mình nữa. Giờ đây, thay vì "Anh yêu em" mà nói "Anh dấu em" thì không khéo lại bị hỏi là "Anh giấu cái gì?" 

*  CHỢ BÚA 

Trong chữ "chợ búa" thì "búa" có nghĩa là gì? 

"Búa" trong "chợ búa" chắc chắn không liên quan đến cái búa để đốn cây rồi. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến được xem là vững chắc nhất thì cho rằng "búa" là âm xưa của chữ [铺], âm Hán Việt hiện đại là của chữ này là "phố," nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Chợ búa nói chung là nơi người ta tụ tập mua bán. 

"Búa" trong tiếng Việt hiện đại đã dần mất nghĩa và không dùng độc lập, nhưng nếu nói nó vô nghĩa thì không đúng. Tiếng Việt có rất nhiều chữ cổ bị mất nghĩa khi đứng một mình, nhưng chúng không vô nghĩa. 

* GẬY GỘC 

Người ta nói "gậy gộc." "Gậy" thì hiểu rồi, còn "gộc"?

"Gộc" là chữ mà hiện nay đã không còn nghĩa độc lập. Tiếng Hán, "gộc" là chữ này [㭲]. Sách "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của giảng: "Gộc" là "cây củi có khúc đẩn (?) mà lớn" và cho ví dụ "ông gộc" là người già cả hơn hết hoặc làm lớn hơn hết trong một xứ. Cũng có tài liệu giảng "gộc" là "đoạn gốc của cây tre, cây vầu" hay có nghĩa là "to lớn." 

Theo đó, "gậy gộc" nghĩa là những cây gậy lớn, thường dùng để đánh nhau. 

* HỎI HAN 

Mình hay nói "hỏi han" nhau. "Hỏi" thì rõ nghĩa rồi, vậy "han" có nghĩa không? 

Tương tự như "gậy gộc," "hỏi han" không phải là chữ láy mà là chữ ghép đẳng lập, trong đó cả "hỏi" và "han" đều có nghĩa. 

"Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của giải thích: "Han" nghĩa là "hỏi tới," "nói tới." Theo đó, "hỏi han" nghĩa là hỏi một việc gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó. 

Truyện Kiều của Nguyễn Du dùng "han" như một chữ độc lập, không dính đến chữ "hỏi," trong câu: 

"Trước xe lơi lả han chào

Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi."

(Phần Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh). 

"Han chào" chính là chào hỏi. 

* TO TÁT, TUỔI TÁC 

Khi mình nói về một chuyện gì đó "to tát" thì "tát" có nghĩa là gì? 

"To tát" không phải là chữ láy mà là chữ ghép, cả "to" và "tát" đều có nghĩa. Tuy nhiên, "tát" ở đây là một minh chứng cho hiện tượng dùng sai nhiều thì thành đúng trong ngôn ngữ. "Tát" đúng ra phải dùng là "tác." 

"Tác" nghĩa là lớn, ta thường gặp qua chữ "tuổi tác." Khi nói "tuổi tác" thì đã mang nghĩa lớn tuổi, già rồi. Tuy nhiên, ngày nay mình hay nói "tuổi tác đã lớn," cách nói này xét về nguồn gốc thì không đúng, bị lặp chữ. 

Do trong quá trình sử dụng đã có nhiều biến chuyển, nên "tuổi tác" thường dùng để chỉ tuổi. Thậm chí tuổi còn nhỏ cũng dùng "tuổi tác." Ví dụ: "Tuổi tác còn nhỏ," "tuổi tác mới có bây lớn,"… 

Riêng chữ "to tác" để chỉ cái gì đó lớn thì đã dùng thành "to tát." Tuy nhiên, để viết đúng chính tả tiếng Việt hiện đại thì mình vẫn cứ dùng "to tát." 

* CẦN CÙ 

Có câu, "cần cù bù thông minh." "Cần cù" là chữ láy hay chữ ghép? "Cù" có nghĩa gì không? 

"Cần cù" là chữ ghép, cả "cần" và "cù" đều có nghĩa. Đây là chữ gốc Hán, viết là 勤劬. "Cần" là siêng năng chăm chỉ, "cù" là khó nhọc, vất vả. 

Chữ "cù" này còn xuất hiện trong chữ "cù lao" (劬劳) chỉ công ơn cha mẹ (thường nói chín chữ cù lao). 

Truyện Kiều có câu: 

"Duyên hội ngộ, đức cù lao

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn." 

Không nên nhầm lẫn chữ "cù lao" này với chữ "cù lao" chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng. 

* BẾP NÚC 

– "Bếp" là nơi nấu ăn;

– "Núc" là "đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn," cho nên có thể hiểu núc chính là ông Táo. (theo "Đại Nam quốc âm tự vị," Huỳnh Tịnh Của). 

 * THÊU THÙA 

"Thêu thùa" là chữ ghép tổ hợp (hay ghép đẳng lập), trong đó cả thêu và thùa đều có nghĩa: 

– "Thêu" là dùng chỉ màu đính lên bề mặt vải làm ra hoa văn;

– "Thùa" là kết chỉ thêm, làm cho đẹp thêm. 

Về cơ bản thì" thêu" và "thùa" giống nhau, đều là hành động thêm hoa văn trang trí trên vải vóc cho đẹp. Nhưng "thùa" đôi khi còn có nghĩa là hành động mạng lại chỗ vải bị rách cho đẹp. 

* VẢI VÓC 

"Vải vóc" là một chữ ghép với chữ "vóc" cũng có nghĩa: 

– "Vải" là chỉ bông hoặc đồ dệt bằng chỉ bông;

– "Vóc" là một xấp hàng lụa vừa đủ một quần là sáu thước may.

Ngày nay thì "vải" không nhất thiết là dệt bằng chỉ bông mà có thể dệt bằng nhiều chất liệu khác. Còn "vóc" thì ít khi thấy dùng một mình nữa, người ta thường lầm tưởng "vải vóc" là chữ láy. 

Bâng Khuâng (Sưu tầm) 

Nguồn: https://phudoanlagi.blogspot.com/2019/08/mot-so-tu-ngu-co-viet-nam-hien-nay-van.html 

Mời đọc thêm các nhận xét và trả lời về bài chủ 

Bâng Khuâng có thể bổ sung một số chữ ngữ nữa: 

* CHÓ MÁ: 

Một khi mắng chửi, khinh bỉ ai, người ta dùng chữ "chó má." Vậy MÁ là gì? 

"Chó má": Người Tày gọi con chó là "tu ma."  Cải thành chữ "chó má" của ta, tiếng "má" ấy có lẽ bởi tiếng "ma" của Tày mà ra; có một số danh chữ của Tày giống của ta lắm" (Phan Khôi); Nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy lại cho rằng: "Má gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là chó" (dẫn theo Việt ngữ tinh hoa chữ điển của Long Điền – NXB Hoa Tiên – 1952). 

Cũng có người cho rằng chó khác má ở chỗ: "Chó không ăn thịt đồng loại, má ăn thịt đồng loại." 

* NGƯỜI NGỢM 

"Ngợm" là con chi?

"Ngợm": con vật tưởng tượng, có vẻ giống người nhưng hình thù rất xấu xí. 

"Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi."

(Cao Bá Quát) 

"Người ngợm": Ở đây chữ "ngợm" có nghĩa đối lập với chữ "người." Thường các cụ ngày xưa hay chửi: "Mày không phải là người nữa rồi, mày là ngợm mới đúng." 

"Người ngợm" chỉ một CON NGƯỜI mà toàn làm những điều xấu xa thậm chí không chấp nhận được với thế giới loài người. 

* GÀ QUÉ 

"Qué" có nghĩa thế nào? 

"Qué" là yếu tố Hán Việt có nghĩa là "gà" (một cách đọc trại âm chữ KÊ).  Cho nên Gà Qué có nghĩa chung là con "Gà," thường dùng với ý xấu. 

* ĂN VÓC HỌC HAY 

VÓC trong tục ngữ trên nghĩ như thế nào? 

1/ Nhiều ý kiến cho rằng: 

– VÓC là thân thể, thân hình con người (danh từ).

– HAY gần nghĩa với giỏi (tính từ).

Nếu giải thích theo hướng này thì: 

+ Chúng ta cũng đã từng chữ gặp HAY qua các từ ngữ "hay giỏi," "hay chữ" (ví dụ: "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.") 

+ Vì HAY vốn là một tính từ, nên VÓC – chữ đối ứng với nó cũng phải là một tính từ.

(Trong tục ngữ trên VÓC, HAY đứng sau động từ "ăn, học" nên theo văn phạm cũ, chúng là Trạng từ). 

+ Nhưng VÓC thường xuất hiện với nghĩa danh từ để chỉ thân thể, dáng hình của con người; chẳng hạn: vóc ngọc mình vàng, lớn người to vóc, vóc sương, vóc bồ liễu… Với ý nghĩa này, VÓC không tương ứng với HAY trong học hay. 

Có lẽ, trong câu tục ngữ trên VÓC đã được chuyển nghĩa chữ chỗ chỉ thân thể (danh từ) sang chỉ đặc tính khoẻ mạnh của con người, chỉ "sự cao lớn chắc chắn," chỉ hình thù vóc dáng cao lớn, (tính từ). Nghĩa là VÓC được chuyển chữ loại thành tính từ. (ở trong câu tục ngữ "ăn vóc học hay" thì VÓC, HAY đều là trạng từ). Do đó, câu tục ngữ ăn vóc học hay được hiểu là ăn khoẻ, học hành giỏi giang. 

2/ Hiểu theo chữ cổ: 

Bách khoa toàn thư Việt Nam (http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn)  khi giảng mục chữ "Tục ngữ" đã lưu ý rằng "Có những câu [tục ngữ] xuất hiện từ lâu đời, còn giữ lại những chữ cổ"; liền sau đó cho thí dụ: "Ăn vóc học hay." Tuy các nhà biên soạn không nói rõ nhưng có thể suy ra "vóc" chính là một chữ cổ. 

Một học giả uy tín trong lĩnh vực giải mã các chữ ổ tiếng Việt là Huệ Thiên (tức An Chi) khi viết bài "Tại sao một số thành ngữ, tục ngữ lại khó hiểu?" (http://www.hanosoft.com) đã lý giải như sau: 

(lược trích): 

"Thực ra, VÓC là một chữ Việt gốc Hán – và đúng là một tính từ – bắt nguồn ở một chữ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là ÚC, có nghĩa là thơm, ngon. Vậy tất nhiên là vóc cũng có cùng nghĩa đó và "ăn vóc" tất nhiên có nghĩa là ăn ngon (…) Tóm lại, vóc trong "ăn vóc học hay" là một chữ cổ và chữ cổ này có nghĩa là thơm, ngon. 

Vậy "ăn vóc học hay" không có nghĩa nào khác hơn là ăn ngon, học giỏi. Đây là một thành ngữ dùng để nói về những người học trò mà cái sự học xứng đáng với cái sự ăn, nghĩa là sự dùi mài kinh sử xứng đáng với sự nuôi nấng chu đáo của cha mẹ." 

Theo ý kiến thầy Nguyễn Hứa Thảo: 

-Qua tìm tòi tra cứu, dựa vào Tầm Nguyên thì Tiếng Việt có TƯ ĐAI là do ảnh hưởng chữ tiếng Miên / Chiêm thành (theo chữ ĐIỂN NGUỒN GỐC "TIẾNG VIỆT của Tiến Sĩ Nguyễn Hy Vọng, nhà xuất bản Đất Việt /2012): 

– Theo ghi chú: TƯ"K ĐAI = nghĩa là Nước Đất / Đất Nước . 

Tôi tìm hiểu về chữ ĐAI trong đất đai còn có những ý nghĩa sau: 

– ĐAI:

+ Danh từ

. cài vòng, cái dây để đeo

. vành bao quanh vật gì, thường để giữ cho chặt, cho chắc

. thùng gỗ có đai sắt

. vành đeo ngang lưng phía ngoài áo chầu vua.

. dây thắt ngang lưng phía ngoài áo của các võ sĩ, có màu quy định riêng cho mỗi đẳng cấp (võ sĩ mang đai đen, thi lên đai

. Dải (đất, khí hậu, thực vật, v.v.) chạy vòng quanh Trái Đất theo hướng vĩ tuyến: đai khí hậu nhiệt đới, đai ôn đới

Đồng nghĩa: vòng đai. 

+ Động từ

(Khẩu ngữ) nói kéo dài và nhiều lần về việc đã xảy ra để tỏ sự không bằng lòng của mình:

. đai đi đai lại

. người ta đã nhận lỗi rồi mà còn cứ đai mãi 

Nói ĐAI phát âm theo giọng Bình Trị Thiên nghĩa là nói DAI.  

* ĐẤT ĐAI 

Trong chữ "đất đai," "đai" có nghĩa là gì? 

ĐẤT 

Theo chữ điển bách khoa Wikipedia: "Đất trong thuật ngữ chung là các vật chất nằm trên bề mặt Trái Đất, có khả năng hỗ trợ sự sinh trưởng của thực vật và phục vụ như là môi trường sinh sống của các dạng sự sống động vật từ các vi sinh vật tới các loài động vật nhỏ." 

ĐAI 

– Theo chữ điển mở Wiktionary: "Dải đất hẹp, dài có hình vòng cung hở hay kín như một vành đai."

– Dựa vào Tầm Nguyên thì Tiếng Việt có TƯ ĐAI là do ảnh hưởng chữ tiếng Miên / Chiêm thành (theo chữ ĐIỂN NGUỒN GỐC "TIẾNG VIỆT của Tiến Sĩ Nguyễn Hy Vọng, nhà xuất bản Đất Việt /2012):

+ Theo ghi chú: TƯ"K ĐAI = nghĩa là Nước Đất / Đất Nước.

– Theo tra chữ Soha: Dải (đất, khí hậu, thực vật, v.v.) chạy vòng quanh Trái Đất theo hướng vĩ tuyến (đai khí hậu nhiệt đới, đai ôn đới)

(http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/%C4%90ai) 

Như vậy "đất đai" là khoảng không gian cho các hoạt động con người được thể hiện ở nhiều dạng sử dụng đất khác nhau. 

* STT thì bảo "Búa" trong "chợ búa" chắc chắn không liên quan đến cái búa để đốn cây rồi." Còn Phú Đoàn lại nói: "BÚA trong CHỢ BÚA có liên quan đến cây búa đốn cây." (Lời bác Tam Ngng)

Bác Tam Ngng lại chưa hiểu ý của tôi rồi. 

Khi tôi nói "BÚA trong CHỢ BÚA có liên quan đến cây búa đốn cây."  "vì dạng chữ Nôm của BÚA (trong "chợ búa") là 斧 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phủ," chỉ cây búa)." 

Nghĩa là tôi cho rằng chữ Hán 斧 có nghĩa là BÚA, nên người Việt đã mượn chữ 斧 để ghi âm BÚA (trong "chợ búa") của chữ Nôm sáng tạo riêng cho mình. 

Tôi nói "mượn chữ" để ghi âm. Nhưng khi viết thành âm Việt không còn mang nghĩa như chữ Hán đó nữa và tất nhiên đọc theo âm mới Việt. 

– Một chữ Nôm cũng có đến vài cách ghi, nên chữ BÚA (trong "chợ búa") có thể được ghi bằng nhiều tự dạng chữ Nôm khác nhau. 

+ Với chữ 鈽, âm Hán Việt tiêu chuẩn là "bố," chỉ chất hóa học Plutonium (Pu). 

. Âm Nôm chữ 鈽 ấy là BÚA có nghĩa là búa rìu; hóc búa.

 Nên BÚA(trong chợ búa, hóc búa, búa rìu) đều có thể viết theo tự dạng chữ Nôm bằng 斧 hay chữ 鈽 đều được cả. 

Xét các trường hợp khác: 

+ Chữ 鈈 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "bất," cũng chỉ chất hóa học Plutonium) như Bác Tam Ngng nêu, nhưng âm Nôm chữ 鈈 là BỘ (cũng có nghĩa là chất Plutonium) nên không thể dùng chữ 鈈 để ghi âm BÚA (trong "chợ búa, hóc búa, búa rìu") được. 

+ Tương tự như vậy mặc dù chữ PHỐ 鋪  (được cho có âm Hán Việt cổ là BÚA) không được mượn để ghi chữ Nôm có âm BÚA (trong chợ búa) vì âm Nôm của nó là "pho, phô, phố." 

* Đó là những lý do tôi cho rằng  PHỐ 鋪 (dù được cho có âm Hán Việt cổ là BÚA, lại có nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán) không phải là BÚA trong chữ Tiếng Việt CHỢ BÚA. 

Theo ông An Chi trong tập "Chuyện Đông Chuyện Tây" (trang 70, sách dạng PDF mà tôi "download" về máy tính, thì: 

Tương tự (chợ) búa # (thị) phố = tiệm bán hàng). 

Về trường hợp chữ BÚA, năm 1951 Phan Khôi đã viết như sau: 

"CHỢ BÚA: Tôi nói do chữ Hán, 'thị phủ' mà ra, có lẽ không đúng. Năm 1949, ông Nguyễn Thiệu Lâu cho tôi biết ở Hà Tĩnh vẫn gọi cái chợ nhỏ là búa."

(Việt ngữ nghiên cứu, Hà Nội, 1955, trang 67) 

Đúng là "chợ búa" không do thị phủ mà ra vì phủ ở đây là nơi làm việc của quan lại, còn phố mới là nơi buôn bán. Còn điều thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng "búa" là một chữ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh chứ chẳng phải là một bằng chứng để phủ nhận BÚA là do PHỐ hoặc PHỦ mà ra. Về mối quan hệ b và ph, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trên KTNN, đặc biệt là trong bài "Tìm hiểu về hai chữ BỤT và PHẬT" (số 84, trang 15-17).

Trích AN CHI

(CHUYỆN ĐÔNG CHUYỆN TÂY, trang 70)

(nhatbook-Chuyendongchuyen tay-AnChi 2002-2006.pdf) 

1/ Ông An Chi nói: "Thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một chữ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh." 

2/Bài CHỮ NÔM trong tự điển Wikipedia thì có dòng chữ "chữ "búa" 斧 ("búa" trong "cái búa, âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phủ") được dùng để ghi lại chữ "búa" trong "chợ búa" ("búa" trong "chợ búa" là âm Hán Việt cổ của chữ "phố" 鋪). 

Chúng tôi muốn tìm hiểu BÚA là chữ cổ Việt Nam hay là chữ âm Hán Việt cổ? 

Thú thật, rất khó để có đủ tư liệu xưa nay để tra cứu, bên cạnh đó vốn chữ Nôm của tôi quá tệ (hầu như bằng không). Tôi cho rằng, BÚA (trong "chợ búa") là âm Việt, vì: 

1/ "Chợ búa" là một chữ kép. "Chợ" là chữ Việt, "Búa" do đó cũng là chữ Việt. Chả lẽ lại có một chữ kép có các chữ vừa Việt vừa Hán. 

2/ Có người giải thích chữ "Búa" là chữ cổ của người Mường (người Mường là người Việt cổ), để chỉ nơi họp trao đổi mua bán hàng hóa. 

3/ Ông An Chi nói: "Thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một chữ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh." 

– Nếu cho rằng BÚA là là âm Hán Việt cổ của chữ "phố" 鋪 như tự điển Wikipedia nêu: 

+ Búa là âm Hán Việt cổ, thì đây là âm cổ thời Hán. chữ /âm Hán Việt cổ là những chữ tiếng Hán được tiếng Việt thu nhận trước thời Đường thông qua giao tiếp bằng lời nói. Hầu hết chữ /âm Hán Việt cổ bắt nguồn chữ tiếng Hán thời nhà Hán. 

+ PHỐ 鋪 (âm Hán Việt bây giờ) chỉ phố xá, tiệm buôn, và chữ có âm cổ BÚA. Tại sao khi mượn chữ Hán để ghi lại âm tiếng Việt BÚA (trong chữ "chợ búa"), người Việt không mượn chữ PHỐ này, vừa có âm cổ tương đương, lại vừa đồng nghĩa hoặc cận nghĩa, mà lại người Việt mượn chữ PHỦ 斧 (có nghĩa là "cái búa") chỉ riêng có nghĩa tiếng Việt đọc lên là BÚA (không liên quan chi đến "cửa hàng, phố xá" cả) để ghi trong chữ "chợ búa." 

– Trong quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa, ngôn ngữ và phong tục xã hội thì đều diễn ra cả qua lại hai chiều. Chẳng lẽ chỉ có người Việt nói, đọc mượn âm Tàu thôi sao? Người Tàu cũng nói, đọc mượn âm Việt nữa chứ. Chắc gì dân bị trị mới học ngôn ngữ văn minh của dân cai trị mà không nói ngược lại. Lịch sử Tàu cho thấy, vua quan Mãn Thanh cai trị dân Hán nhưng lại bị Hán hóa đó ư ! Triệu Đà (gốc Tàu) cùng triều đình nhà Triệu cai trị nước Nam Việt, nhưng lại sống theo phong tục tập quán Âu Lạc đó ư ! Chưa kể đến việc nền văn minh lúa nước Âu Lạc, Hà đồ, Lạc thư, Kinh Dịch của dân đồng bằng Âu Lạc đã "được" dân du mục "Hoa Hạ" Tàu tiếp thu rồi cưỡng chiếm, biến của người thành của mình. Việc này, thì học giả Kim Định xướng xuất và hiện tại nhiều học giả VN ra sức chứng minh (đang trong vòng tranh luận). Khác với dân tộc Mãn Châu, khi cai trị Trung Quốc, họ tiếp thu văn minh Hán tộc nhưng tỏ ra hòa hiếu, nên chứng tích vẫn còn rõ ràng. Còn Tàu khi cai trị "An Nam" thì hết sức tàn bạo, thâm độc. Chúng đã ra sức vơ vét tinh hoa nhân vật lực của An Nam thu về Tàu và tìm cách hủy diệt văn hóa bản địa như đốt cháy, phá hủy thần phả, thư tịch, trống đồng và các sản phẩm văn minh văn hóa… của An Nam cho sạch chứng tích. 

Bên cạnh đó Tàu bằng mọi cách để đồng hóa dân Việt. Sách, sử, chữ viết cổ, tư liệu, các chứng tích văn minh, văn hóa của dân Việt gần như bị tận diệt. Nên để tra cứu, tìm tòi chứng tích cũ là điều vô cùng khó khăn. 

– Blogger Ngọc Hiệp Phạm có đưa ảnh chụp chữ [步] đọc Nôm là "bộ" trong "đi bộ" và "bụa" trong "góa bụa" để tạo thế "song hành" cho việc đọc "bộ" [步], là "chợ," thành "búa" trong "chợ búa." Ông An Chi đã phản bác qua bài viết: 

https://petrotimes.vn/bua-trong-cho-bua-van-la-ba-con-voi…

An Chi qua một số sách đã xuất bản, nhất là "Chuyện Đông, Chuyện Tây" được độc giả hâm mộ và tìm đọc, thán phục kiến văn quảng bác của ông ấy. Cách lập luận của ông khá hợp lý. Tuy nhiên, không phải những điều An Chi viết đều hoàn toàn đúng và có cứ liệu chứng minh đầy đủ, phần nhiều theo suy luận mà diễn giải. Không có ít những cuộc tranh luận giữa An Chi và các học giả VN khác. 

Riêng trong bài viết trên, An Chi căn cứ trên ý nghĩa của chữ mà phản bác: 

"Cứ như trên thì 'phố' [浦] (P1), 'bộ' [步] (B) và 'phụ' [埠, có khi cũng viết 阜] (P2), là ba chữ có liên quan với nhau hoặc về nguồn gốc (giữa P1 và B) hoặc trong việc sử dụng văn tự (giữa B và P2) cho nên một sự khảo chứng nghiêm túc và chặt chẽ không thể bỏ qua hiện tượng này. Trong mối quan hệ giữa P1 với B thì cái nghĩa "chợ, nơi giao dịch" không hề tồn tại. Trong mục chữ 'bộ' [步], mà Ngọc Hiệp Phạm chụp ở chữ điển để đưa vào bài của mình, nó cũng không hề được kể đến (vì không hề tồn tại). Còn trong mối quan hệ giữa B với P2 thì "chợ, nơi giao dịch," một cái nghĩa của P2, có thể bị gán cho B nhưng, về nguyên tắc, khi B dùng thay cho P2 thì nó cũng chỉ có nghĩa là "đình thuyền đích mã đầu" [停船的碼头], "bến thuyền (đậu)," như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993, tr.605, cột 2, nghĩa 10)." 

An Chi quên rằng người Việt đã mượn chữ Hán để ghi âm Nôm. Tôi nói "mượn chữ" để ghi âm. Nhưng khi ghi thành âm Việt, thì chữ Hán đã mượn không còn mang nghĩa như chữ Hán đó nữa, mà thành nghĩa Tiếng Việt với cách ghi mới và nghĩa riêng đặc thù Tiếng Việt. 

Chẳng hạn: 

Chữ 斧 có (âm Hán Việt là PHỦ) có nghĩa là cái BÚA. Người Việt đã mượn chữ 斧 để ghi chữ Nôm có âm BÚA (trong "chợ búa"). 

Chữ Nôm 斧 có cách đọc mới và có nghĩa mới, cũng là BÚA nhưng không phải là búa rìu đốn cây, mà là BÚA của âm Việt cổ, chỉ nơi họp trao đổi mua bán hàng hóa. 

Không riêng chữ BÚA mượn chữ Hán ghi âm Nôm mà nhiều âm Nôm khác cũng thế, được mượn chữ để ghi âm mà không cần đến ý nghĩa gốc theo cách An Chi lý giải. 

Âm CHỢ có 2 cách ghi trong tự dạng chữ Nôm: 

1/ 助 Chợ: phiên chợ, chợ trời.

2/ 𢄂 Chợ: phiên chợ, chợ trời. 

Âm BÚA có 2 cách ghi trong tự dạng chữ Nôm: 

1/ 斧 Búa: búa rìu; hóc búa, chợ búa.

2/ 鈽 Búa: búa rìu; hóc búa. 

Theo tôi, lời của An Chi nói và kể cả ý kiến của Bâng Khuâng cũng có phần hợp lý như nhau! Bởi vì chữ viết là phản ảnh chính xác thông điệp của người viết ra nhất là chữ viết của Hán ngữ, nó xuất phát chữ tượng hình lấy hình vẽ để miêu tả như chữ 馬 (biến thể chữ hình con ngựa) nghĩa là con ngựa; lấy ngữ âm để diễn đạt như chữ 媽 (gồm có chữ nữ và chữ mã – biến thể thanh điệu của âm mã thành âm má) nghĩa là người mẹ; mượn ngữ nghĩa để hình dung như chữ 男 (bao gồm chữ điền và chữ lực – người bỏ công sức trên ruộng đồng) nghĩa là con trai. Có thể do người Việt xưa của ta bỏ qua những yếu tố kể trên mà sáng tạo ra chữ Nôm một cách quán tính, cũng chính vì những khiếm khuyết ấy mà dần dần chữ Nôm của ta đã bị chính xã hội của nó đào thải. 

 Ý kiến bác Trần Hòa khá hợp lý! 

Tôi đang nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Quảng Đông do nó có những thành phần ngữ pháp rất giống tiếng Việt chẳng hạn: gà trống (gà là danh chữ , trống là tính chữ ) tiếng Quảng Đông cũng vậy 鸡公 (鸡 là gà, 公 là trống) trong khi đó tiếng Phổ thông (Bắc Kinh) lại nói ngược là 公鸡!Hoặc là: Tôi đi trước, tiếng Quảng Đông là 我走先 (我 là tôi, 走 là đi, 先 là trước), trong khi đó tiếng Phổ thông (Bắc Kinh) lại nói ngược lại là 我先走 v..v… 

Ngoài ra số lượng thanh điệu của tiếng Quảng Đông lại giống số lượng thanh điệu của tiếng Việt; tiếng Việt ta có vần bằng và vần trắc trong khi đó tiếng Quảng Đông cũng thế; tên gọi xưa kia của người Quảng Đông thật sự gọi là người Việt đấy! Hình như người Việt chúng ta không phải chỉ có những người Việt nói và viết những ngôn ngữ bằng chữ La tinh như hiện nay, bởi lẽ xưa kia đất nước Việt Nam của chúng ta bị bọn phương Bắc xâm lấn, lúc bấy giờ có nhiều người Việt bỏ xứ sở mà chạy về hướng phương Nam để lánh nạn, đồng thời cũng có khá nhiều người Việt của ta không có điều kiện để chạy nạn đành phải ở lại, qua nhiều thế hệ bị đồng hoá mọi mặt nhưng họ vẫn còn giữ lại nét đặc trưng riêng của dân tộc mình, do đó những ngôn ngữ nói của họ (người Quảng Đông) đến nay có rất nhiều nét giống hệt người Việt bây giờ! Tôi sẽ gửi bài viết đến các bác mong nhận được sự chỉ giáo của các bác nhé! 

 Theo Wikipedia tiếng Việt: 

Tiếng Quảng Đông (giản thể: 广东话; phồn thể: 廣東話; Hán-Việt: Quảng Đông thoại), còn gọi là VIỆT NGỮ (giản thể: 粤语; phồn thể: 粵語), là một nhánh chính của tiếng Trung được nói tại miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. 

Tiếng Quảng Đông bao gồm nhiều phương ngôn khác nhau, trong đó có hai phương ngôn chữ ng đóng vai trò làm lingua franca trong các cộng đồng người Hoa hải ngoại tại Bắc Mỹ là tiếng Đài Sơn (thế kỷ XIX) và tiếng Quảng Châu (thế kỷ XX). Tiếng Quảng Châu – được nói tại thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông – là phương ngữ ưu thế của nhánh ngôn ngữ này, nó cũng là ngôn ngữ chính thức tại hai đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao. Tiếng Quảng Đông cũng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Hán ở nước ngoài ở Đông Nam Á (đáng chú ý nhất là ở Việt Nam và Malaysia, cũng như ở Singapore và Campuchia ở mức độ thấp hơn) và trên khắp thế giới phương Tây. 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng_Qu%E1%BA%A3ng_%C4%90%C3%B4ng

Tiếng Quảng Đông hay còn được gọi là VIỆT NGỮ tại Trung Quốc, bởi lẽ vì hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây trước đây thuộc về đất của dân tộc Bách Việt. Ngày nay thì vùng đất này hiện đang nằm ở phía Nam của Trung Quốc cùng với một phần thuộc đồng bằng châu thổ miền Bắc của nước ta, nên hai tỉnh ấy còn được gọi tên là tỉnh Việt. 

Ngoài ra, do là phương ngữ được ưu thế trong Việt ngữ nên còn được gọi là Việt ngữ tiêu chuẩn hay là Việt ngữ chuẩn.

Có thể thấy rằng, tiếng Quảng Đông rất khác so với các ngữ âm trong tiếng Trung Quốc phổ thông (lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn), thể hiện nét đặc trưng riêng biệt cho nền văn hóa và đặc tính dân tộc của một bộ phận của người Trung Quốc. 

Tiếng Quảng Đông được sử dụng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Người Hoa hải ngoại nói tiếng Quảng Đông là tiếng mẹ đẻ như Hồng Kông, Ma Cao và những cộng đồng người Hoa ở nước ngoài vì nguồn gốc dân cư là chữ di cư chữ khu vực Lưỡng Quảng đến. Trong lịch sử tiếng Quảng Đông chữ ng có giai đoạn thịnh hành ở Trung Quốc và chữ ng được thống kê là ngôn ngữ được nhiều người nói nhất trước khi bị tiếng Trung phổ thông (ngôn ngữ chính thức ở Trung Quốc đại lục, lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn) thay thế. 

Có người cho rằng: 

"Chợ thường họp ở nơi trên bến dưới thuyền cho nên mới có câu chợ búa" ("búa" là "bến"). 

"Phố" (浦) là chữ Hán Việt có nghĩa là "bến." 

Trong bài thơ "Chiều hôm nhớ nhà" của Bà Huyện Thanh Quan có câu: 

"Gác mái, ngư ông về viễn phố"

Mà "viễn phố" (遠 浦) có nghĩa là "bến xa."  

Lạ thật! Hễ cái là nói chữ này chữ kia trong tiếng Việt là gốc Hán! Còn bao nhiêu cái gốc Hán nữa thì đem hết ra luôn đi! Xàm xí! Giải thích cho đã rồi cũng bảo người ta nên viết theo cái sai. Vậy giải thích chi? Biết sao hay nhầm lẫn không? Tại không dùng chữ Nôm nữa á! Dùng chữ Nôm đi là hết nhầm à!

Có chi "xàm xí" đâu bạn Unknown nhỉ! 

Bạn đọc cho kỹ nhé: "Có người cho rằng:…" 

Bạn cần phân biệt giúp cho "Người đó cho rằng chứ không phải chúng tôi cho rằng…" 

Chuyện cho "chữ này, chữ kia trong tiếng Việt là gốc Hán…" là việc của học giả An Chi, không phải ai cũng chấp nhận.

Theo lời của bạn: "Tại không dùng chữ Nôm nữa á! Dùng chữ Nôm đi là hết nhầm à!" Chữ Nôm "hết thời" rồi và không giản tiện bằng chữ quốc ngữ mà chúng ta đang dùng. Nhưng khi cần tra cứu thì cần tham khảo chữ Nôm, tiếc rằng chữ Nôm còn khó đọc hơn chữ Hán nữa… 

Dạ thưa bác, gần đây trong giới trẻ của bọn cháu tranh luận với nhau về chữ "Ủy khuất." Một nhóm nói không được dùng chữ này vì nó chỉ là phiên âm Hán Việt, không có trong tự điển Tiếng Việt. Nhóm khác thì nói chữ này có thể dùng được như chữ Hán Việt. Bản thân cháu thì rất rối vì cháu tra chữ này đúng là không có trong chữ điển nhưng khi cháu nhẩm thì cháu lại hiểu được nghĩa của nó rất rõ ràng. Cháu muốn hỏi bác có nhận định như thế nào về chữ này ạ. Và có thể dùng chữ này thay cho các chữ cùng nghĩa không ạ?  

ỦY KHUẤT 委屈 vốn là chữ Hán Việt. 

Nghĩa gốc của nó là: Cong gẫy, không thẳng 

Nghĩa chuyển là: Điều giấu kín trong lòng, không bày tỏ ra được.

Đây là âm Hán Việt, không có trong tiếng Việt hiện đại. Khi dịch sang tiếng Việt, tùy ngữ cảnh mà nên linh hoạt dịch như sau: 

Cảm thấy "ủy khuất": ấm ức tủi thân, oan ức, uất ức, uất nghẹn.
Chịu "ủy khuất": ấm ức, thiệt thòi, uất ức, oan, oan ức, oan uổng.
"Ủy khuất" + động từ: ấm ức/uất ức + động từ.

Tuesday, June 6, 2023

Song Nhi - Ruột Thịt Tình Thâm

Tác giả: Song Nhi 
05/11/2012  Tin chị Thơm bị chồng bỏ lan ra nhanh chóng đầu trên xóm dưới .
Có người nói tội nghiệp chị đẹp người đẹp nết , con nhà ăn học mà số long đong .Nhưng có người lại mừng dùm và họ coi đó như giải pháp mà ông trời giải thoát cho chị khỏi cảnh khổ.
Chị Thơm là con gái duy nhất trong ba người con của thầy giáo Thức ở xứ này.
Thời sinh tiền lúc còn sống thầy và ông chủ tiệm vàng Kim Vinh là bạn tâm giao nối khố có nhau dù một người làm buôn bán một người theo nghiệp chữ nghĩa thánh hiền . Ngay khi chị Thơm chỉ là trẻ thơ lúc nghe ông Vinh muốn kết thông gia cho hai gia đình càng thân hơn ,thầy giáo Thức đã đồng ý ngay.
 Thơm từ nhỏ đã sáng dạ học đâu nhớ đó , thương con nên lớn lên ba chị cho chị lên ở nhờ nhà người cô ruột trên Sài Gòn để tiếp tục việc học .
Bắt đầu hiểu biết Thơm đã nhiều lần dùng dằng phản đối chuyện hứa hôn của ba chị khi ai đó đề cập đến .Xét cho cùng chị cũng không sai bởi xứ này ai mà không biết Huân con trai lớn ông chủ tiệm vàng Kim Vinh học hành thì ngu dốt nhưng ăn chơi trăng hoa thì có tiếng .
Năm đó tự nhiên ông Vinh bị một căn bệnh lạ , chạy chữa nhiều thầy thuốc mà bệnh có vẻ không thuyên giảm .
 Khi thầy giáo Thức sang thăm ông bèn nhắc chuyện xưa và muốn tiến tới hôn nhân cho con trai mình .
 Trước là được yên lòng nhắm mắt vì con nên bề gia thất do ông Vinh biết rất rõ Thơm là cô gái rất tốt .
 Thêm vào cái hy vọng là biết đâu hôn lễ xua đi được cái vận hạn xui xẻo đang đè ám gia đình ông .
 Năm 19 tuổi Thơm được ba mình gọi về quê và lấy chồng trong cái không khí gấp rút của đám cưới đang chuẩn bị .
 Lúc đầu Thơm phản đối bằng cách bỏ ăn và khóc lóc không ngừng . Nhưng đến khi ba chị dọa thắt cổ tự vận nếu chị dám từ hôn làm trái ngược lại lời hứa mà ông coi trọng như núi .Đến nước đó thì Thơm hết cách đành theo ý ba mình về làm vợ Huấn.
Cứ tưởng Huấn chồng chị Thơm lấy được người vợ như chị , anh ta hẳn vui mừng mới đúng .
Nhưng vốn tính nhỏ nhen thêm vào chất gia trưởng Huấn thấy chướng mắt vì sự học vấn của vợ.
Trong khi chị vận dụng cái giỏi giang của mình để gánh vác việc nhà chồng thì Huấn sau khi tỏ rõ đường đi lối về với cô vợ trẻ anh ta lại miệt mài với những thú vui tình ái bên ngoài .
 Từ khi sinh Thu con gái đầu lòng, chị Thơm nhiều lần khuyên chồng nên để đức cho con đừng đi gạt gẫm những cô gái khác nhưng Huấn gạt bỏ ngoài tai .
 Thậm chí nhiều lần còn hạ cẳng tay , thượng cẳng chân với chị khi say.
 Nhất là sau khi ba chồng chị là ông Vinh qua đời thì Huấn không còn phải e dè ,kiêng kỵ̣ ̣một ai.
Một lần đoàn gánh hát của ông bầu Tám Ít về đây hát , Huân đi xem và đâm ra mê mệt Hai Như cô đào nhì của gánh .
 Khác với những lần trước, lần này Huấn trong mắt Hai Như là con mồi lớn nên Hai Như quyết không buông , cô xỏ mũi Huân một cách nhanh chóng .Vốn xuất thân lang bạt nên Hai Như không dễ dàng gì trở thành trò chơi của Huân, cô buộc Huân phải cho cô danh chính ngôn thuận khi cô có mang .
Thế là sau 9 năm ,chị Thơm đành chịu tiếng bị chồng bỏ bởi không chịu nổi sự cay nghiệt cũng như những trận đòn thừa sống thiếu chết của Huân gần đây .
 Thầy giáo Thức ba của chị cũng qua đời vài năm trước đó nên chị cũng không muốn níu kéo.
 Chị đồng ý ra đi với hai bàn tay trắng không làm phiền. Huân cưới vợ mới nhưng bù lại Huân phải để chị dẫn bé Thu lúc này được 5 tuổi đi theo mình .
 Buồn cho phần số dang dở của mình và cũng không muốn ở lại quê nơi có nhiều kỷ niệm gợi chuyện phiền lòng, chị Thơm dẫn con gái lên lại Sài Gòn .
 Ban đầu chị tá túc ở nhà cô ruột như trước . Sau đó chị mang số tiền cha mẹ ruột cho phòng thân khi xuất giá lấy chồng làm vốn mua bán .Chị mở một sạp bán trái cây và thuê căn nhà nhỏ gần đấy cho tiện việc đi về mẹ con chị sống yên ả vui vẻ với nhau .Dạo gần đây có một anh chàng người Mỹ thường ghé mua trái cây chỗ chị .
 Anh ta gây sự chú ý cho Thơm bởi anh ta nói được tiếng Việt rất rành, khác với những anh chàng Mỹ lớ ngớ thỉnh thoảng vẩn ghé chổ chị mua hàng .
  Anh chàng người Mỹ John Smith ấy cũng thật bất ngờ khi thấy cô chủ hàng nói rất chuẩn thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và là một người có ăn học.
 Lúc đầu chỉ là trò chuyện xã giao lâu dần họ thành bạn .
 Dù hai người cách xa nhau về hình thức lẫn nơi sinh trưởng nhưng họ lại khá hợp nhau trong nhiều cách nghĩ .
 Hơn một năm sau John ngỏ lời với muốn cưới Thơm làm vợ.
  Phần Thơm thật sự chị dành rất nhiều cảm tình cho John nhưng chị cũng e ngại sự cách biệt và tiếng đời thường mỉa mai những người phụ nữ lấy Mỹ thời đấy nên chị còn lưỡng lự chần chừ .
 Nhưng tấm chân tình của John khiến chị cảm động .
 Hai năm từ ngày họ quen biết chị dẹp cửa hàng về làm bà Smith .
Mười mấy năm trôi qua gia đình chị Thơm có thêm một trai hai gái .
 Peter được 13 tuổi , Mary 11 tuổi và Ann 9 tuổi.
 Ngoài xã hội John là người khá thành công về kinh doanh nhưng khi về nhà John là người chồng có trách nhiệm .
 Anh ta đối xử với Thu cũng như những đứa con khác của mình hết mực yêu thương không hề có sự phân biệt .
 Gia đình họ sống đầm ấm hạnh phúc, ngoài những lúc đến trường, ở nhà chị Thơm vẩn gọi con bằng những cái tên tiếng Việt là Phú , My và Ái .
Khác biệt nhau về mái tóc và cả màu da nhưng bốn chị em Thu lại quấn quýt hòa thuận ,luôn gắn bó bên nhau không rời .Năm 1975 lúc này Thu đã 21 tuổi đang theo học một trường Dược ở Sài Gòn .
Một ngày chị Thơm nhận được tin Huấn chồng cũ của chị tức là ba ruột của Thu ở quê qua đời đột ngột vì một cơn đột qụy .
Đúng ra chị Thơm không muốn về bởi tình hình lúc đó có nhiều thay đổi và Huấn từ lâu không hề nhắc nhở hay đá động gì tới đứa con gái của mình là Thu .
 Nhưng cuối cùng chị cũng dẩn Thu về chịu tang cho đúng phép tắc dù gì họ cũng là cha con .
Phần chị thì xem như nghĩa tử nghĩa tận đến thắp một nén hương cho phải đạo làm người , hơn nữa chị không an tâm để Thu về một mình .
Sau đám tang, ngay lúc chị chuẩn bị trở về Sài Gòn thì thời thế thay đổi, trong một đêm phải chờ đến cả tuần sau và bằng nhiều cách mẹ con chị mới lặn lội trở về được Sài Gòn .Nhưng khi chị Thơm và Thu lên tới Sài Gòn thì mọi chuyện đã khác lạ hoàn toàn .Dâu bể đổi dời chỉ trong khoảng thời gian ngắn , chị không thể vào được nhà cũ bởi chúng bị tịch thu nên chị không lấy được thông tin hay địa chỉ liên quan gì tới chồng mình ở Mỹ .
Cũng không thể hỏi thăm ai giữa cái lúc hổn loạn ấy chị dành dẫn Thu nương náu , mưu sinh ở một quận gần đó và cố gắng hết khả năng để nghe ngóng liên lạc với chồng và con của mình trong vô vọng.
 Ngày xưa vì người ở quê hay kỳ thị , dè bĩu và lo cho sự an toàn của chồng vào thời còn chiến tranh .Chị Thơm chỉ dẫn duy nhất Peter về quê ngoại chơi hai lần mà thôi .
Không cho John cùng hai con gái nhỏ về thăm quê lần nào.
Bởi má chị vẫn lên thăm gia đình chị ở Sài Gòn thường xuyên .
Do chị cũng ỷ y đâu có dè cuộc đời có những thay đổi như vậy .
Thời gian dần trôi, không một tin tức nào về họ dù là sống chết .
Phần lo lắng thương nhớ con nên sức khoẻ chị Thơm mỗi ngày một kém .
Rồi chị qua đời vào một đêm mưa sau cơn bệnh trong tay vẫn còn nắm chặt tấm ảnh gia đình của mình .
Lúc lâm chung, không biết có phải còn tiếc nuối hay ấm ức, mắt chị mở trừng trừng khiến Thu khóc than tức tưởi khấn nguyện rằng sẽ cố gắng tìm được những đứa em và mang chúng về .Phần John Smith vào lúc mọi người nhốn nháo rồng rắn di tản dù không muốn bỏ vợ mình lại nhưng John không còn cách nào khác hơn, đành dẫn ba người con của mình lên máy bay về Mỹ trong nỗi đau đáu lo lắng .
Khi về đến xứ sở, anh ta cũng cố gắng liên lạc với vợ mình nhưng ngoài tên họ của vợ và con gái .
John chỉ biết thêm địa danh quê vợ là Xào Bân chứ không hề có thông tin gì khác .
Đường phố còn thay đổi tên thì nói chi muốn tìm một con người giữa cái đất Sài Gòn mênh mông ấy .
Ba năm sau trên đường đi làm về, John qua đời trong một tai nạn giao thông thảm khóc .Những đứa con của anh được chuyển về sống với ông bà nội ở bang Texas.
Gia đình họ lạc nhau từ đó…
*****
Ba mươi lăm năm sauThu bây giờ tóc đã bạc hơn phân nửa và lên chức bà Ngoại, chị lấy chồng có được ba người con .Chồng chị là người đàn ông tốt và hiền lành .
Các con chị vẫn sống và làm việc ở Sài Gòn .
Còn chị và chồng về sống ở quê vào 5 năm trước, trên mãnh đất hương hỏa của bà Ngoại chia cho mẹ chị ngày xưa , vui thú cùng vườn cây ao cá, như bao người có tuổi khác .
Cuộc sống chị êm đềm , hạnh phúc như bao gia đình an phận bình thường nhưng dù bao năm trôi qua trong lòng Thu vẫn không quên được nỗi nhớ về những người em của mình .
Thỉnh thoảng nhìn những tấm ảnh cũ đã úa vàng mà chị lưu giữ như một báu vật, chị lại chảy nước mắt .
Chị khóc khi hồi tưởng cái khoảng khắc ngày xưa đút cơm cho những đứa em của mình .
Chị nhớ rõ đứa nào thích ăn gì , tính nết ra sao .
Nhớ lúc chạy giỡn trong khoảng sân nhỏ cùng nhau, giờ không biết họ lưu lạc phương trời nào và có bình an không ?.
 Hiểu nỗi khổ tâm bao năm của chị Thu, các con chị cũng giúp mẹ bằng mọi cách họ có thể .
Từ những phương tiện thông tin hiện đại, đến nhờ cả đại sứ quán giúp đỡ , nhưng thông tin qúa ít ỏi và trôi qua nhiều năm nên sự tìm kiếm của họ cũng rơi vào im lặng .Peter ,Mary và Ann hiện tại cũng đã có gia đình và con cái họ khác xưa hoàn toàn .
Vốn Việt Ngữ của họ gần như là mất hết , ngoại trừ Mary do làm quản lý ở một hảng có nhiều người Việt nên cô còn nói được chút ít .
 Nhưng ba người họ vẫn không quên người mẹ và chị của mình .
Họ về Việt Nam rất nhiều lần nhờ sự giúp đỡ của nhiều nơi .
Nhắn tin trên báo để tìm kiếm nhưng tất cả vẫn không có tin tức gì ,họ cũng không có nhiều manh mối để mở rộng việc tìm kiếm..
Năm 2010 Peter lúc này đã 48 tuổi nhân dịp nghỉ thường năm, anh ta dẫn theo cô vợ người Mỹ của mình là Jessica về Sài Gòn du lịch .
Lần đó khi đang ngồi trên chuyến xe tham quan của một đoàn du lịch chuẩn bị đi đến điểm vui chơi theo lịch trình .
Là người vui tính Peter trò chuyện cùng anh hướng dẫn viên là ngày xưa mình được sinh ra ở Sài Gòn .
Nhắc về kỷ niệm vô tình Peter nói rằng quê ngoại ở Xào Bân bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ.
Có một vị khách lớn tuổi trong đoàn nghe được .
Ông ta nói là ông ta biết một nơi trước kia gọi là Xẻo Bần chứ không phải là Xào Bân .
Đó là một làng nhỏ do dân địa phương tự đặt tên ấy vì có cái rạch nhỏ chảy cắt ngang qua.
Mà bây giờ không còn ai gọi là Xẻo Bần nữa, họ gọi bằng tên một thị trấn khác.Không biết có cái gì xui khiến Peter vội lấy giấy bút ra và nhờ ông ta ghi lại chính xác nơi đó bằng cái tên hiện hành ngày nay.
Bỏ dở chuyến đi chơi Peter cùng vợ ngược về Sài Gòn tìm đến trung tâm lữ hành du lịch và ngỏ ý muốn thuê một hướng dẫn viên thông thuộc miền Tây để đi đến địa danh mà vị khách lạ cho.
Khi họ đến nơi thì gần như không còn vết tích nào giống trong ký ức của Peter .
Anh ta nhớ ngày xưa phải đi bằng thuyền nhỏ và cây cỏ hoang dại .
Còn nơi anh ta đến ngày nay là thị trấn sầm uất, đông đúc xe cộ chạy xuôi ngược .
Thấy vẻ thất vọng của Peter anh hướng dẫn viên cũng không biết làm sao hơn, đành cùng người tài xế chở hai vợ chồng ông khách người Mỹ đi loanh quanh cho đúng theo trình tự một chuyến tham quan .
Xe chạy dọc những con lộ nhỏ và anh hướng dẫn viên giảng giải đây là một vùng chuyên về trồng trái cây .Chợt lúc đó chuông nhà thờ đổ hồi chuông ban trưa thông lệ .
Như có một thứ giác quan mách bảo Peter đòi được đến nơi đó .
Cả nhóm họ rời xe đi bộ trên con đường làng khi đứng trước căn nhà thờ có tuổi thọ gần cả trăm năm được xây từ thời Pháp đô hộ.
Peter gần như là không kèm được sự xúc động bởi anh ta nhận ra đây đúng là quê ngoại mình mà ngày xưa anh được mẹ dẫn về .
Qua bao nhiêu năm nhưng cũng may là cái nhà thờ ấy vẫn không thay đổi hình dáng kiến trúc cũ .
Nhất là cái vị trí nằm ngay ngả ba sông rất đặc biệt .
Peter nhớ một cách rõ ràng như vậy, do có một lần khi về quê chị lớn là Thu dẫn em trai mình đến đây chơi .
Đang vui đùa chợt Peter tự nhiên bị chảy máu cam không rõ nguyên nhân khiến Thu hốt hoảng cầu cứu.
Chính một vị ma-soeur hiền lành đã kêu Peter nằm ngay xuống trước sảnh nhà thờ và ngước mặt lên ngay cho máu ngừng chảy .
Trong khi bà đặt chiếc khăn lạnh trên trán của Peter để hạ nhiệt độ.
 Theo trong trí nhớ của Peter, nhà bà ngoại đi bộ cách đó một đoạn nhưng hướng nào thì anh ta mơ hồ không nhớ nổi .Vốn nhạy bén sau một hồi suy tính, Peter nhờ anh hướng dẫn viên hỏi thăm những ai nhiều tuổi từng sống nơi đó về người đàn bà có tên Ba Thơm có con gái tên Thu .
Nhưng già trẻ không một ai biết, bởi ngày trước chị ba Thơm chỉ thỉnh thoảng về thăm quê rồi đi .
Số người còn lại họ đến ở nơi đây mới độ hai , ba chục năm thì làm sau biết chuyện ngày xưa cũ .
Thêm nữa ở quê người ta thường gọi theo thứ, ít ai gọi tên nên chẳng ai biết người đàn bà mà Peter muốn kiếm là ai .
Cuối cùng Peter chỉ còn cách ghi lại địa chỉ khách sạn ở Sài Gòn nơi mình trú ngụ, cùng số điện thoại cá nhân đang tạm dùng trong thời gian ở Việt Nam .
Peter hứa sẽ hậu tạ cho bất cứ ai có tin tức về hai người mình đang cần tìm .
Đúng lúc kẻ ghi người viết thì có một người đàn bà đứng tuổi đi chợ về ngang, do tò mò bà ta rẽ đám đông vào xem .
Khi biết rõ câu chuyện bà ta chậm rãi nói:-Tui biết có chị kia ở cạnh nhà bà sui gái của tui .
Nghe đâu tên của chỉ là Hai Thu mà tui không nghe chỉ có anh chị em chi hết .
Chị mới về đây sống độ mấy năm thôi, không biết có phải chị Thu gì mà ông ấy muốn kiếm không ?
Nhà chị ấy tuốt dưới xóm dưới, đường hơi khó đi một chút.Sau khi nghe anh thông dịch nói lại , không bỏ sót một tia hy vọng vào , Peter vội khẩn khoản bà ấy giúp mình.
Họ chọn ra giải pháp cả nhóm sẽ ngồi ở quán cafe đầu chợ .
Trước là chờ gặp người tên Thu mà người đàn bà ấy vừa nói .
Sau là uống ít nước và nghỉ ngơi tạm, bởi vì nhóm họ điều thấm mệt sau hàng nửa ngày trời đi tới đi lui.
Người đàn bà kia thì lên một chiếc xe honda ôm đã được Peter trả tiền tới nhà chị Thu và nhắn chị ấy có người cần gặp ngồi chờ nơi quán nước trước cổng chợ.Buổi xế trưa , sau bữa cơm chị Thu đang cho mấy con gà ăn trước sân như thường nhật, chợt có tiếng xe honda dừng trước cửa.
Khi nghe nói có ông tóc vàng mắt xanh cần gặp một người tên Thu .
Trước sống ở Sài Gòn và cỡ bằng độ tuổi của chị vì có chuyện cần , chị hai Thu đã luống cuống tay chân , buông luôn cái thau đựng cơm nguội xuống sân nhà .
Chị không kịp cám ơn người đàn bà tốt bụng mà vội chạy vào lấy cái nón lá và lên tiếng gọi ông chồng mình đang lui cui sau vườn.
Tay chị run rẩy đến nỗi không thay nổi cái áo bà ba nên chị mặc nó tròng đôi vào cái áo đang bận .
Chị lập cập không giấu được vẻ hồi hộp của mình khi ngồi lên chiếc xe do chồng mình nổ máy chờ sẵn chạy vội ra chợ.Ở quán cafe mọi người không dấu được ánh mắt tò mò trước hai vị khách ngoại quốc đang ngồi chờ như ngóng trông ai đó.
Xe ngừng trước quán chị Thu bươn bả đi vào , đám đông khẽ nhích ra nhường lối cho chị .
Nãy giờ đi ngoài trời chói nắng nên chị lột vội cái nón lá quẳng vô góc để nhìn cho rõ , Peter cũng vội vã đứng lên .
Không cần phải nói hay hỏi han điều gì chỉ cần nhìn mặt Peter, chị Thu đã biết đó chính là em trai của mình bởi Peter giống cha anh ta John Simth thuở xưa như tạc .
Chị Thu khóc ngất nói trong tiếng nấc :-Em ơi ….Phú ơi ….
Cơn xúc động dâng lên cao độ khiến chị Thu loạng choạng như muốn ngất .
Peter vội đỡ lấy chị mình, dìu chị ngồi xuống ghế anh ta cũng khóc khi nhìn gương mặt của chị Thu với những đường nét của mẹ mình ngày xưa.
Nhoài người tới ôm lấy người chị của mình, Peter lắp bắp bằng một thứ tiếng Việt ngọng nghịu :-Chị … chị Hai … Phú nè …chị chị HaiTiếng chị Thu mếu máo ngắt quãng từng chập :
-Mẹ mong chờ mấy em biết bao nhiêu… hu..hu …mẹ mất rồi em ơi .Trong khi Jessica vợ của Peter nhẹ đưa cánh tay vỗ vỗ lên lưng chồng mình như sẻ chia, dù cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng như người đàn bà kia nói gì .
Thì chồng chị hai Thu biết rõ câu chuyện hơn do vợ mình thường kể, nên anh cố giấu đi vẻ xúc động bằng cách nói như phân bua:-Em của vợ tui , chị em ruột ấy thất lạc mấy chục năm rồi không tin tức chi hết.Nhìn thấy một ông ngoại quốc cao lớn nắm chặt tay một người đàn bà Việt Nam mảnh mai miệng chỉ lắp bắp được vài chữ "chị ơi..".Một số người trong quán hôm ấy khẽ lén lau đi giọt nước mắt vừa ứa ra.
*****
Một buổi tối của hai tháng sau .Nhà chị Thu đèn đuốt mở sáng choang nhiều người đi tới đi lui .
Mấy bà chị thì nhỏ to dưới bếp, bên cạnh nồi cháo gà và vài món ăn nhẹ.
Họ lo không biết những ông bà người Mỹ ở nhà trên có ăn được những món ăn Việt Nam không và nêm nếm như vậy có vừa khẩu vị của họ chưa .
Vài người trẻ trong xóm ngồi ngoài mấy cái ghế tre trước hiên của nhà chị Thu .
Đôi ba ông cụ bà cụ lớn tuổi một chút ngồi trong phòng khách cùng chị hai Thu , Peter , Mary và Ann.
Họ tới mừng cho chị khi nghe được tin chị em trùng phùng sau bao năm và tò mò chờ nghe câu truyện có phần hơi ly kỳ của họ .Bốn chị em của chị Thu ngồi trên bộ di văng nói chuyện với nhau .
Mary còn nói được chút ít tiếng Việt , Peter thì nhớ được một vài câu xã giao ngọng nghịu .
Riêng Ann thì không nhớ một câu nào , cả ba người họ phải nói qua người phiên dịch đang ngồi trên cái ghế nhỏ cạnh đó .
Chị Hai Thu đưa khăn lên lau nước mắt khi nghe Peter kể sau khi ba chết họ về sống cùng ông bà ở nơi mới .
Đi học Peter hay bị bọn trẻ chọc ghẹo kỳ thị vì là con lai .
Khiến cậu ta đánh nhau đến nổi chút nữa thì bị đuổi học.
 Chị lại cười khi Mary nói lúc về Mỹ muốn ăn trứng ấp thảo với cháo trắng như ngày xưa mẹ nấu ở Việt Nam nhưng đành chịu vì không biết cái trứng đó tên là gì.
Bao nhiêu năm Mary luôn cảm thấy tủi thân và không vui khi ai đó hỏi về nguồn cội bởi Mary không biết trả lời họ ra sao.Ra vẻ ái ngại Ann nhìn họ rồi khẽ nói ,qua người thông dịch rằng :
" Lúc đầu khi nhìn những tấm ảnh cũ ố vàng ngày xưa và nghe anh Peter thông báo tìm được chị và nhắn thu xếp về gặp nhau .
Cô được một vài người khuyên nên cẩn thận để tránh sự nhầm lẫn, thậm chí biết đâu chừng đó là sự giả trá , lường gạt .
Vì khi đi cô là người nhỏ tuổi nhất rồi sống ở môi trường không có người Việt nên ký ức về chị trong cô không còn được rõ nét như hai anh chị mình .
Nên cô thật sự có phần dè dặt ,không tin lắm nhưng trên đường về đây khi ghé qua quán ăn tạm ở dọc đường , chị hai Thu đã ngăn cô lại khi cô định ăn một bát súp.
 Chị ấy nói rằng súp đó được nấu bằng tôm mà chị biết rõ Ann từ nhỏ đã dị ứng với đồ biển. Rồi chị nhờ người thông dịch hỏi giúp chị vết sẹo trên đùi Ann có biến mất theo thời gian không hay là to hơn .
Ann cố ý hỏi vặn lại vết sẹo gì ? Chị Hai Thu nói ngày trước Ann từng bị té vào chậu hoa sau vườn nhà nên đùi có một vết thẹo khá dài , chính chị đã băng lại giúp cô .
Ann đưa khăn giấy chậm nước mắt bằng vẻ bối rối , xúc động cô ngỏ lời xin lỗi chị mình vì những nghi ngờ trước đó .
Bởi bây giờ cô đã tin chị thật sự là chị Hai của cô ngày xưa.
Ann hứa với chị khi về Mỹ sẽ cố gắng học thêm ít tiếng Việt để có thể trực tiếp nói chuyện với chị mà không cần phiên dịch ."*****Sáng hôm sau khi tia nắng bình minh vừa hiện ra ở chân trời , gió dìu dịu mùi sương sớm .
Trước ngôi mộ của dì Ba Thơm nơi phần đất hương hỏa giữa đồng .
Bốn mái đầu rấm rức khóc và cuối lặng thật lâu .
Trong mùi hương trầm và những bó hoa thơm lan tỏa lảng bảng , tiếng chị hai Thu nghèn nghẹn khấn:
-Má …con dẫn mấy em đến thăm má. Xin má linh thiêng phù hộ độ trị cho chị em con và xin má an lòng yên nghĩ. Một ngày cuối chiều ở sân bay, khi tiếng loa thông báo nhắc nhở tên ba vị khách còn lại của chuyến bay về Mỹ nhanh chóng ra cửa khởi hành .
Vòng tay của chị em họ lại vội vã ôm lấy nhau giữa khóc – cười, họ hứa sẽ quay lại sớm vào một ngày nào đó cùng gia đình của mình .
Mary vội nói cùng chị bằng cái âm chưa chuẩn và quơ tay như minh họa cho lời nói:
-Em biết Việt Nam gọi ngày chết là đám giỗ rồi .
Đám giỗ má vào mùng 9 sau tết Việt Nam.
Tụi em sẽ về vào ngày đó hằng năm.
Chị Hai yên tâm giữ sức khoẻ.
Mắt chị Hai Thu vẫn còn đỏ và đầy nước mắt nhưng miệng chị cười tươi .
Chị đưa cánh tay lên lưu luyến vẫy theo dáng những đứa em của mình đang khuất dần sau cánh cửa kiếng .Có một dịp tình cờ nào đó sau tết âm lịch trong cái không khí hãy còn Xuân .
Bạn chợt ngang qua một thị trấn nhỏ xinh đẹp thuộc một tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long.
Đi tới cái xóm nhỏ mà địa danh ngày xưa gọi là Xẻo Bần, vô tình bạn nhìn thấy một nhóm người trên đường làng hay trong cái quán Phở ở chợ.
 Nhóm người đó trung niên có , trẻ có , tây ta lẫn lộn .
Đôi khi cô gái trẻ tóc vàng mắt xanh cao lớn đang cố trọ trẹ học câu tiếng việt từ một cô Việt Nam cũng còn khá trẻ .
Rồi cũng có lắm lúc cô gái Việt Nam nói những câu Anh Ngữ để giải thích sự việc gì đó cho cô gái kia .
Thỉnh thoảng hai người trung niên lại nói tiếng Việt bằng một âm điệu chưa chuẩn lắm làm bà chị của họ bật cười.
Bạn đừng lấy làm ngạc nhiên bởi đó chính là đại gia đình của chị em họ và con cái thuộc thế hệ kế.
Những người họ khác biệt nhau về ngôn ngữ , chủng tộc , tập quán và ở cách xa nhau nửa quả địa cầu , hàng chục giờ bay .
Nhưng họ có chung một thứ ,đó chính là dòng máu chảy trong huyết quản của họ, có sự hiện diện của cái gọi là Ruột Thịt Tình Thân .Cuối cùng thì tất cả các dòng sông điều trở về biển như một quy luật muôn đời ….
  
Song Nhi
05/11/2012