Monday, January 30, 2023

Đừng bao giờ tranh cãi với một người ngu

Có hai người đang tranh cãi nhau rất kịch liệt:

Một người nói: 4 x 4 = 16. Một người nói: 4 x 4 = 17

Cả hai không ai chịu nhịn ai, cứ cãi qua cãi lại mà chẳng bất phân thắng bại nên bèn lôi nhau lên quan huyện phân giải.

Nghe xong câu chuyện, quan huyện phán:

- Người nói 4 x 4 = 17 được thả cho về nhà!

- Còn thằng nói 4 x 4 = 16 ở lại, và lôi ra ngoài đánh 50 hèo cho bớt ngu đi!

Người nói 4 x 4 = 17 hí hửng đi về nhà, còn người kia sau khi bị đánh 50 hèo xong vẫn ấm ức liền vào hỏi quan huyện:

- Tại sao con nói đúng mà quan vẫn cứ đánh con?

Quan huyện nói:

- Cái tội của mày rất lớn con à, đó là vì mày biết 4 x 4 = 16 là đúng mà vẫn đi cãi nhau với một thằng ngu. Đã biết nó ngu mà lại tốn thời gian vì một đứa ngu, cố chấp như mày nên bị đánh là phải. Còn thằng ngu kia ta thả nó về xã hội để xã hội dạy cho nó thấy là nó ngu như thế nào, còn mày có nói đến thế nào đi chăng nữa nó vẫn không khôn ra được đâu. 

(Sưu tầm)

Ðừng trả lời kẻ ngu xuẩn theo sự điên dại của nó, kẻo cả con nữa, con cũng nên giống nó; 
(Cách Ngôn 26,4 - Bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn)

Sunday, January 29, 2023

Tình hư ảo

Tác giả: Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao mơ ưóc, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.
Anh chờ đợi một lời em giải thích,
Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.
Hệ số đo cường độ của tình thương,
Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.

Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,
Tính không ra phương chính của cấp thang.
Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,
Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm.

Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Saturday, January 28, 2023

Tư tưởng "Chi bằng học" của Phan Châu Trinh

Tác giả:  HUỲNH VĂN HOA
13:21, 20/03/2016 (GMT+7)

Cuộc đời hoạt động cách mạng và hiến dâng tất cả cho quê hương đất nước của Phan Châu Trinh (1872-1926) không dài, song, ông để lại một di sản thật đồ sộ, nhất là về tư tưởng cách mạng và tiến bộ, dẫu sau cả trăm năm nay.

Có thể nói, ngay từ đầu thế kỷ XX, sau khi đỗ Phó bảng cùng khoa với Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy, Phan Châu Trinh bắt đầu tiếp xúc với tân thư, xác định đường hướng duy tân, liên kết với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, lập thành cỗ xe tam mã, kéo Việt Nam đi vào vận hội mới - vận hội về khai sáng dân trí, một tiền đề quan trọng để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, tạo nền tảng cho phát huy sức mạnh dân tộc.

Ngay trong những ngày cư tang anh cả Phan Văn Cừ và sau đó, qua Đào Nguyên Phổ, Thân Trọng Huề, Phan Châu Trinh đọc nhiều sách mới và các tác phẩm của Nguyên Lộ Trạch, tiếp xúc với tư tưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu về vấn đề tự do, dân quyền ở Tây Âu. Một tác giả nổi tiếng, ngoài Khang-Lương, là Nghiêm Phục (1853-1921), người dịch Thiên diễn luận (Evolution and Ethics) của Thomas Henry Huxley) ra Trung văn, được các nhà duy tân Trung Quốc đánh giá cao.

Năm 1903, Phan Châu Trinh ra Huế, làm Thừa biện Bộ Lễ. Cùng năm này, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cũng ra Huế, đọc tân thư. Cuối năm 1904 (32 tuổi), Phan Châu Trinh từ quan về Quảng Nam, chuyển hướng đưa vận động duy tân về quê nhà, nhanh chóng lập hội buôn, hội học, hội diễn thuyết, nhất là phát triển nhiều trường dân lập.

Năm 1906, Phan Châu Trinh ra Bắc, đi Nhật, về lại Hà Nội, tiếp xúc với các nho sĩ tiến bộ, bàn bạc việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1907, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động duy tân tại Quảng Nam, chú trọng về phát triển giáo dục.

Giữa năm này, Phan Châu Trinh ra lại Hà Nội, thay Đào Nguyên Phổ làm Tổng biên tập báo "L' An-Nam - Đại Việt tân báo", viết Hiện trạng vấn đề, giảng dạy Đông Kinh nghĩa thục, diễn thuyết và vận động duy tân ở nhiều tỉnh miền Bắc và sáng tác Tỉnh quốc hồn ca I. Cũng trong năm 1907, Phan Châu Trinh có nhiều hoạt động nổi bật, giao thiệp với nhiều nhân vật nổi tiếng như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, cả Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải (Xem Biên niên tiểu sử Phan Châu Trinh, NXB Giáo dục, 2006).

Chi bằng học, luận điểm tiến bộ, khoa học

Luận điểm này nằm trong bài Hiện trạng vấn đề, đăng trên Đại Việt tân báo (tức tờ Đăng cổ tùng báo mới cải tên), năm 1907. Bài này, đã được Tân Nam Tử, tức Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp và cho đăng trên tờ Pionnier Indochinois ở chuyên mục Tư tưởng người An Nam. Người đầu tiên nhận ra quan điểm tiến bộ này là Huỳnh Thúc Kháng, đồng môn, đồng chí của Phan Châu Trinh. Trên Tiếng Dân, số 613, ngày 9-8-1933, Huỳnh Thúc Kháng thuật lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, năm 1905, khi mà Nhật thắng Nga, làm chuyển biến mãnh liệt cán cân quyền lực ở Đông Á, đem đến cho Nhật Bản một vị thế mới trên sân khấu thế giới, do vậy, dẫn đến tư tưởng sùng bái người Nhật, hơn nữa có xu hướng bạo động và trông cậy người ngoài trong giới thân sĩ nước ta. Huỳnh Thúc Kháng đánh giá bài Hiện trạng vấn đề là: "Một bài luận thời cuộc rất xuất sắc trong báo giới ta trước 25 năm nay".

Trong bài báo đó, Phan Châu Trinh kết luận:

"Vậy xin có lời chính cáo người nước ta rằng: "Không bạo động, bạo động thì tất chết. Không trông cậy người ngoài, trông cậy người ngoài thì tất ngu".

"Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là "Chi bằng học"". (Xem Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Chương Thâu-Phạm Ngô Minh, sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 388, 389, 390).

Hiện nay, bài Hiện trạng vấn đề đã được Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) dịch toàn văn (Xem Phan Châu Trinh-Toàn tập, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2005, từ trang 70 đến 75).

Cần lưu ý là, khi kết thúc bài viết, Phan Châu Trinh có lời khuyên với đồng bào rằng, chỉ nên trông cậy ở chính mình, không vọng ngoại. Vọng ngoại ắt là chết và nêu con đường giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ. Như vậy, vấn đề quan trọng là tự lực cánh sinh và học hành.

Nguồn gốc tư tưởng Chi bằng học của Phan Châu Trinh

Không phải ngẫu nhiên mà Phan Châu Trinh có tư tưởng Bất như học - Chi bằng học. Phan Châu Trinh viết Hiện trạng vấn đề vào năm 1907 khi Nhật Bản đã thể hiện rõ vai trò của một cường quốc ở châu Á. Năm 1906, sau khi ở Nhật một thời gian, quan sát những chuyển biến thần kỳ trên nhiều mặt của xã hội Nhật Bản, nhất là tư tưởng thực học, học hành theo phương pháp khoa học hiện đại, Phan Châu Trinh nhận ra một yêu cầu cấp bách-yêu cầu phải học, thực học, rời bỏ ràng buộc của Nho giáo.

Nhật Bản mạnh lên từ học và thực học. Tư tưởng thực học gắn liền với tên tuổi Kaibara Ekken (1630 - 1714). Có thể xem, ông là một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất của lịch sử cận đại Nhật Bản. Nhà bác học người Đức Philip Franz von Siebold (1796 - 1866) khi viếng thăm Nhật Bản vào thế kỷ 19, tìm hiểu và vô cùng khâm phục Ekken, gọi ông là "Aristote của Nhật Bản".

Ekken nhấn mạnh đến việc học, giá trị của việc học, coi sự học là nguồn gốc của ích nước lợi nhà, khuyến khích đọc sách. Ekken viết: "Không có thú vui nào trên thế giới có thể so sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác".

Thời kỳ Minh Trị Duy Tân, những sách như Bàn về tự do (On Librerty) của John Stuart Mill, Thuyết tiến hóa của Charles Darwin, Tự lo (Self-Help) của Samuel Smiles... ra đời, in với số lượng lớn, có lúc đến triệu bản, thu hút mãnh liệt giới trẻ về vấn đề đổi mới nước Nhật. Công ty ra đời đầu tiên thời Minh Trị là một công ty nhập khẩu và kinh doanh sách, có tên Maruzen, chủ nhân Hayashi Yuteki. Sách là mặt hàng đi đầu trong hành trình chấn hưng dân trí.

Trang đầu của cuốn Tự lo, dẫn câu nói của J.S. Mill: "Giá trị của nhà nước, xét lâu dài, là giá trị của các cá nhân cấu thành". Muốn cho đất nước giàu mạnh, độc lập, phú cường, phải có những cá nhân mạnh, thông qua rèn luyện, tư lo, sáng tạo, độc lập.

Những quyển sách này đã cuốn hút giới trí thức và giới trẻ vươn lên trong học tập, rèn luyện và làm giàu. Tác phẩm Khuyến học của nhà khai minh Fukuzama Yukichi (1835-1901) nhấn mạnh: "Con người không sinh ra cao quý hay thấp hèn, giàu sang hay nghèo khó. Chính những ai lao động siêng năng ở những công việc tìm tòi của họ, và học nhiều, sẽ trở thành cao quý và giàu có, trong khi những ai biếng nhác sẽ trở thành nghèo khó, thấp hèn".

Toàn nước Nhật cổ vũ cho việc học. Toàn nước Nhật ham mê đọc sách. Phan Châu Trinh đã thấy một nước Nhật như thế và cũng từ đấy thao thức cho tương lai của nước Việt. Đây là cơ sở cho cái nhìn về Nhật Bản của Phan Châu Trinh khác với cái nhìn của Phan Bội Châu. Lịch sử đã chứng minh cách nhìn của Phan Châu Trinh là đúng. Đó là chỉ nên trông cậy ở chính mình và không vọng ngoại.

Những nội dung về việc học của Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh phản đối việc học, việc thi cử lối cũ, như trong bài Chí thành thông thánh, đã nêu:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung...

(Muôn dân nô lệ phường quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ).  

(Lê Ấm dịch, Thơ văn Phan Châu Trinh, NXB Văn học, HN, 1983, trang 88)

Tuy nhiên, Phan không cho Khổng Giáo là hàng rào cản trở, vẫn tin vào sức mạnh của thời đại, của sự nghiệp duy tân. Khi từ quan về Quảng Nam, họp thành bộ ba Phan-Huỳnh-Trần, các ông đã đi mọi nơi, kể cả những nơi xa xôi, hiểm trở như Đèo Le, Tý, Sé. Năm 1905, 1906 là những năm phát triển sâu rộng công cuộc duy tân, trong đó lấy sự học là gốc:

Một người học, muôn người đều biết
Trí đã khôn, trăm việc phải hay
Lợi quyền đã nắm trong tay
Có ngày tấn hóa, có ngày văn minh

(Chiêu hồn nước)

Trong mấy năm thực thi phong trào Duy tân tại quê nhà, hơn 40 trường dạy quốc ngữ, toán, cách trí, địa lý, võ ta... ra đời, làm nức lòng dân chúng. Công đầu phải kể đến Phan Châu Trinh. Khai dân trí, con đường đó, chỉ có một hướng: Bất như học - Chi bằng học.

Với Phan, học là để nâng cao hiểu biết cho nhân dân, chống lối từ chương, nặng về khoa cử, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật, tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, tuyên chiến với chế độ quân chủ, cải cách phong tục tập quán, bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao dân quyền, phát triển sản xuất, phát huy nội lực, tin ở sức mình,...

Hơn một trăm năm trôi qua, nhìn lại tư tưởng cách mạng của Phan về việc học, về vai trò của giáo dục, ta càng thấm thía hơn "vật rất quý tặng cho đồng bào" mà ông gửi trao, đó là: Chi bằng học. Vì thế, rất đồng tình với đánh giá của Nguyên Ngọc: "Ngày nay nhìn lại, ta thấy phong trào Duy tân hồi đầu thế kỷ với Quảng Nam là điểm xuất phát và trung tâm đã để lại cho chúng ta một bài học hết sức sâu sắc về dân trí. Phan Châu Trinh được coi là bộ óc minh mẫn nhất của đất nước đầu thế kỷ XX, có thể nói, ông đã chủ trương và thực hiện một cuộc cách mạng bằng giáo dục" (Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Giáo dục và dân trí, Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Châu Trinh-1872-2002, trang 112).

"Chi bằng học (chữ Hán là Bất như học) là quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh, là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng".

(Vũ Ngọc Khánh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, trang 77)

HUỲNH VĂN HOA
 



Thursday, January 26, 2023

Chuyện vui về Bác Sĩ

Tại phòng khám bịnh, cô y tá hỏi bác sĩ:
- Thưa bác sĩ, tại sao cứ mỗi lần em cúi xuống nghe tim mạch bệnh nhân, thì mạch anh ta lại đập mạnh?
Bác sĩ:
- Cô hãy gài nút áo lại!
----------
Tại phòng cấp cứu, bác sĩ hỏi cô y tá trực:
- Hôm nay có ca nào không?
- Thưa bác sĩ, có hai ca. Ca nhẹ do tai nạn xe hơi. Ca khá nặng do ông chồng dám từ chối không rửa chén cho vợ!

Wednesday, January 18, 2023

Mình ăn Tết hay Tết ăn mình? - VnExpress

Thấy trên FB, đăng bài "Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?" không để nguồn hay vỏn vẹn hai chử st (sưu tầm). 
Dù không phải là tác giả, nay trích lại một phần từ
https://vnexpress.net/minh-an-tet-hay-tet-an-minh-3351894.html
đăng từ năm 2016 của Nguyễn Duy Nhân cho rỏ:
 
Thứ tư, 3/2/2016, 10:42 (GMT+7)
Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?

Tết là những ngày vui được mong đợi nhất trong năm nhưng cũng có thể là ác mộng đối với nhiều người.

Tết là những ngày vui được mong đợi nhất trong năm nhưng cũng có thể là ác mộng đối với nhiều người. Quan trọng, bạn làm chủ Tết hay Tết sẽ làm chủ bạn.

Sau đây tôi liệt kê ra 7 trường hợp khá phổ biến, còn gọi là "Tết thất bát" mà gia đình nào vướng phải thì coi như "hết Tết".

….

Nguyễn Duy Nhân

Tuesday, January 17, 2023

Bài thơ: Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề (Tản Đà - 傘沱)

Thật có hay là mắc tiếng oan
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!
Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn
Mặt sắt còn bia miệng thề gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An?

(An Nam tạp chí, số 8, 1927)

Tuần phủ Vĩnh Yên là Đào Trọng Vận nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài đã ăn của đút gần 3000 đồng. Tản Đà gợi ý cho Ngô Tiếp là nhân viên của toà soạn An Nam tạp chí viết lại truyện này lấy tên là Tờ chúc thư.

Nguồn: Tản Đà toàn tập - tập I, NXB Văn học, 2002

Monday, January 16, 2023

Mùa Xuân Nào Ta Về (Lam Phương)

Mùa Xuân Nào Ta Về
Tác giả: Lam Phương
 
Mùa xuân nào là ta về
Mùa xuân nào là ta về
Về quê hương yêu dấu sống bên mẹ cha

Về sống cạnh dòng sông hiền
Về nghe giọng hò ba miền
Về thăm riêng đôi má lún sâu đồng tiền

Ngày đầu xuân trên xứ xa
Tình đồng hương thêm thiết tha
Sao vẫn nghe trong lòng mình như cay đắng

Trời mùa xuân đây lắm hoa
Đường ngựa xe như sóng xa
Sao thế gian như còn mình ta với ta

Sài Gòn ơi xin chờ ngày tôi về
Tôi mơ một chiều trên phố Bô-na
Mưa nhạt mưa nhòa hình bóng em qua
Kỷ niệm êm đềm làm lòng tôi tê tái

Sài Gòn ơi bây giờ là vẫn còn
Con sông hiền hòa sóng nước long lanh
Xa lộ Biên Hòa lều mái trăng thanh
Kỷ niệm êm đềm trong tiếng hát ngày xanh

Mứt Tết - ăn để 'chết'?

TH - Theo Depplus.vn/MASK, 29/01/2016 21:04

Sắp đến Tết. Cứ đến dịp này, người người nhà nhà lại lo sắm sửa, sao cho bàn thờ gia tiên đủ đầy đẹp mắt, nhà cửa lộng lẫy, mong rước tài lộc an khang.

Có nhiều thứ thuộc về bản sắc, văn hóa, gắn chặt lấy cội nguồn căn nguyên không sao thiếu thốn trong mỗi dịp Tết, ấy là mai vàng đào thắm, bánh tét bánh chưng...và mứt Tết.

Thế nhưng đã nhiều năm rồi, mứt Tết dù vẫn còn được sản xuất, bày bán nhưng không còn được nhiều người thích thú, mong đợi thưởng thức. Người ta nói vui với nhau "Ăn mứt Tết, ăn để...chết à?

Mứt tết là một trong những mặt hàng rất được ưa chuộng thời bao cấp

Cách đây khoảng vài chục năm, trong thời bao cấp, mỗi khi Tết đến xuân về, nhân viên Nhà nước hay các gia đình ở thành thị sẽ được mua phân phối một hộp mứt trong túi quà Tết.

Hộp mứt bằng giấy các tông mỏng, trang trí đơn giản, chỉ có vài "vị" quen thuộc: Mấy lát mứt bí xanh, cà rốt, vài hạt lạc, hạt sen, loằng ngoằng ít mứt dừa và may mắn có hộp thêm được vài quả táo Tàu màu nâu sậm khi ấy là niềm mong mỏi của hết thảy người lớn trẻ nhỏ.

Miếng mứt ngọt ngào mang dư vị của một thời thiếu thốn, nhung nhớ mãi về sau.

Ngày nay, trên bàn thờ cúng gia tiên ngày Tết vẫn thường có hộp mứt thập cẩm, đóng hộp đẹp mắt nhưng thường nằm im lìm trên bàn thờ, trong góc tủ, lặng lẽ qua hết mùa Tết, có khi đến độ mốc thếch, ra giêng bị bỏ đi chứ chẳng ai ăn.
Vì sao nên nỗi...

Vì "bẩn"

Có nhiều nơi, cả làng sống khỏe với nghề làm mứt cổ truyền. Nhưng mỗi đợt cận Tết, người ta lại phanh phui ra hỡi ôi nhiều vấn đề.

Tới các làng nghề sản xuất, la liệt trong nhà, ngoài vỉa hè, sân nhà văn hóa, đường đi, thậm chí là cạnh...bãi rác là các nguyên liệu làm mứt.
Từ các xưởng sản xuất che chắn tạm bợ, người ta thấy mùi hương ngọt ngào, béo ngậy phả ra thơm phức, hấp dẫn thế nhưng các công đoạn ngấu đường, xào mứt, đóng gói đều hết sức mất vệ sinh.

Có kinh hãi không khi hết video lại tới hình ảnh phóng sự phơi bày những nền nhà ướt nhoẹt; những chảo, thìa cáu bẩn bám màu nâu đen; những nong nia đựng mứt lộ thiên mặc sức để ruồi bâu muỗi đậu.

Năm nào cũng là những hình ảnh ấy, năm nào cũng xử phạt, cũng răn đe nhưng chẳng năm nào thấy sự đổi khác.

Quy trình làm mứt sao cho nhanh, cho kịp cung cấp cho các đầu nậu khiến các công đoạn chế biến trở nên qua loa, úi xùi. Vô tình, hương vị mứt đã chẳng thể thơm ngon.

Người dân các vùng sản xuất đã tự tay phá bỏ thương hiệu đã gây dựng lâu năm, cho người tiêu dùng cái nhìn ác cảm về thứ truyền thống tên gọi Mứt Tết.

Vì lo mứt "ngậm" hóa chất độc hại

Hộp mứt thập cẩm bao giờ cũng có nhiều màu sắc, nhìn thôi đã thấy đẹp mắt vô cùng.

Thế nhưng mở hộp mứt ra, người ta dễ dàng nhận thấy mùi vị công nghiệp sực nức chứ không còn là mùi thơm tự nhiên của trái chín cây, củ thu hoạch trong vườn.

Đủ thứ mứt bí, mứt lạc, mứt dừa màu sắc đẹp đến thành quá "lạ", xanh đỏ hồng vàng đủ cả, chẳng thấy chất liệu thiên nhiên đâu mà chỉ thấy rõ màu hóa học.

Người ta đã bắt tận tay bao cơ sở gia công, thậm chí cho các thương hiệu tên tuổi sử dụng phẩm màu giá rẻ để tạo màu mứt, mứt bí thì dùng thuốc tẩy trắng làm tăng độ trắng...

Lo ngại xuất xứ

Không khó để tìm kiếm các kết quả về mứt "rởm", mứt Tết có xuất xứ từ bên kia biên giới.
Ngày nay nhiều tiểu thương nắm bắt thị hiếu rất nhanh, nhập những nguồn hàng Trung Quốc giả các vùng sản xuất nổi tiếng tại Việt Nam để tung ra thị trường các sản phẩm mứt "nhái" nguy hiểm.

Không ai biết rõ nguồn gốc nguyên liệu, chẳng ai tận mục quy trình chế biến các loại mứt này khi chúng đã bị biến báo thành "hàng Việt Nam chất lượng cao" phục vụ người tiêu dùng.

Ấy là còn chưa nói, người ta hay mang mứt Tết đi biếu tặng, tâm lí mình mua, người khác dùng khiến thứ của biếu thành của lo, người nhận không khỏi hoang mang về thứ mình nhận được.
Tết ngày nay đã không còn thiếu thốn, người tiêu dùng không thiếu sự lựa chọn các mặt hàng bánh kẹo, hoa quả khô cho mấy ngày Tết tươm tất. Mứt Tết cổ truyền dần mai một, buồn thay lại chẳng mấy người quan tâm...

Sunday, January 8, 2023

Gửi mấy ông mê bóng đá: VỢ THẰNG NÀO THẰNG ẤY CHỊU

(Sưu tầm)
Chồng đang ngồi xem World cup, chị vợ đến ngồi bên vừa cắn hạt hướng dương vừa luôn mồm hỏi:
- Thằng kia đi đá bóng mà mặc complet, thắt caravate như chú rể ấy chồng nhể?
- Nó là huấn luyện viên mà? – Bất đắc dĩ, anh chồng cáu kỉnh đáp.
- Thằng kia đá kiểu gì, bóng chuyền đến không đá mà lại tránh đi thế nhể?
- Ông ấy là … trọng tài!
- Thế trọng tài cho thằng kia cái gì, mà không cầm lại quay đi. Khinh người thế?
- Không phải cho cái gì, đấy là phạt thẻ vàng!
- Ô kìa, gôn trống không sút vào đi mà còn quay ngược lại?
- Nó là thủ môn, sút vào gôn nhà à?
- Ôi cậu kia đùi to thế nhỉ?
- Ra xem bóng đá hay ra ăn với NGẮM ĐÙI GIAI ĐẸP không biết? Xem một tý cũng không yên!
Nói rồi anh chồng đùng đùng bỏ ra ngoài, rút điện thoại gọi cho bố vợ:
- A lô bố ạ, con nhờ bố một tý …
Mới nghe đến đấy, ông bố vợ ngắt lời luôn:
- Mày lại định … GỬI VỢ về nhà tao, để YÊN ỔN XEM BÓNG ĐÁ đúng không? Tao cũng vừa gọi điện định gửi mẹ vợ mày về nhà ông ngoại, nhưng ông ấy không nghe. Ông ấy bảo:
"Vợ thằng nào thằng ấy chịu".
Vậy giờ, tao cũng tuyên bố:
"VỢ THẰNG NÀO … THẰNG ẤY CHỊU!"