Saturday, October 31, 2020

Cánh cửa không bao giờ khoá

Một cô gái 18 tuổi, cô cũng như hầu hết các thanh niên ngày nay - chán sống chung trong một gia đình nền nếp, chán lối sống khuôn phép của gia đình. Cô muốn rời khỏi gia đình:
- Con không muốn tin ông trời của ba mẹ. Con mặc kệ, con đi đây!
Thế là cô quyết tâm bỏ nhà đi, quyết định lấy thế giới bao la làm nhà mình. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, cô bị ruồng bỏ vì không tìm ra việc làm, cô phải làm gái đứng đường, đem thân xác, hình hài mình làm thứ mua bán, đổi chác. Năm tháng cứ thế trôi qua, cha cô qua đời, mẹ cô già đi và cô con gái ngày càng sa đọa trong lối sống của mình.
Không còn chút liên lạc nào giữa hai mẹ con trong những năm tháng ấy. Bà mẹ nghe đồn về lối sống của con gái mình, bà đã đi tìm con trong khắp thành phố. Bà đến từng nhóm cứu trợ với lời thỉnh cầu đơn giản:
- Làm ơn cho tôi chưng tấm hình ở đây!
Đó là tấm hình một bà mẹ tóc muối tiêu, mỉm cười với hàng chữ: "Mẹ vẫn yêu con... Hãy về nhà đi con!".
Ngày tháng lại trôi qua, vẫn không có gì xảy ra. Rồi một ngày, cô gái đến toán cứu trợ nọ để nhận một bữa ăn cứu đói. Cô chẳng buồn chú ý đến những lời giáo huấn, mắt lơ đễnh nhìn những tấm hình và tự hỏi: "Có phải mẹ mình không nhỉ?".
Cô không còn lòng dạ nào chờ cho hết buổi lễ. Cô đứng lên, ra xem kĩ bức ảnh. Đúng rồi, đúng là mẹ cô và cả những điều bà viết nữa: "Mẹ vẫn yêu con... Hãy về nhà đi con!". Đứng trước tấm hình, cô bật khóc.
Lúc đó trời đã tối nhưng bức hình đã làm cô gái xúc động đến mức cô quyết định phải đi bộ về nhà. Về đến nhà trời đã sáng tỏ. Cô sợ hãi khép nép không biết sẽ phải nói ra sao. Khẽ gõ cửa, cô thấy cửa không khoá. Cô nghĩ chắc có trộm vào nhà. Lo lắng cho sự an toàn của mẹ mình, cô gái trẻ chạy vội lên buồng ngủ của bà và thấy bà vẫn đang ngủ yên. Cô đánh thức mẹ mình dậy:
- Mẹ ơi, con đây! Con đây! Con đã về nhà rồi!
Không tin vào đôi mắt mình, bà mẹ lau nước mắt rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Cô gái nói với mẹ:
- Mẹ à, con lo quá. Thấy cửa không khoá, con cứ nghĩ nhà có trộm!
Bà mẹ nhìn con âu yếm:
- Không phải đâu con à! Từ khi con đi, cửa nhà mình chưa bao giờ khoá. Mẹ sợ lúc nào đó con trở về mà mẹ không có ở đây để mở cửa cho con!
Và cô gái lại gục đầu vào lòng mẹ, bật khóc!
(Sưu tầm)

Sunday, October 25, 2020

BUÔNG CHO NHẸ

Câu chuyện ngắn này diễn ra trong một giảng đường, đúng hơn là một hội trường lớn ở một trường đại học nổi tiếng. Chắc rằng nhiều bạn đã đọc rồi, nhưng có hề chi nếu ta đọc lại trong đôi ba phút và sau đó rút ra một điều khiến ta nhẹ nhõm trong lòng ?

Một vị nữ giáo sư chuyên ngành Tâm lý học đang bước những bước chậm rãi trên một bục giảng trong một giảng đường sinh viên ngồi kín. Bấy giờ là giờ giảng về những nguyên tắc quản lý cảm xúc và kiểm soát căng thắng. Trên tay vị giáo sư có một ly nước. Chợt bà dừng lại đối diện với các sinh viên, tay nâng cao ly nước ngang trước mặt. Gần hết sinh viên trong khán phòng đều mong chờ một câu hỏi quen thuộc kiểu như : “Vơi hết một nửa rồi” hay “Còn đầy tới một nửa". Nụ cười trên môi, bà hỏi : “Các bạn có thể cho tôi biết ly nước tôi đang cầm nặng bao nhiêu không ?”

Nhiều tiếng hô to các câu trả lời của nhiều sinh viên : Các con số từ 300 gram cho đến 600, 700 hay 800 gram.

Giáo sư bấy giờ mới trả lời : “Theo tôi, trọng lượng tuyệt đối của cái ly này không đáng kể. Nặng bao nhiêu tùy thuộc vào thời gian tôi giữ nó. Nếu tôi giữ chiếc ly trong 1 hoặc 2 phút, thì nó khá nhẹ.. Nếu tôi giữ ly nước 1 giờ liền, trọng lượng của nó có thể làm tay tôi hơi đau. Nhưng nếu tôi cầm ly nước nguyên cả ngày, tay của tôi sẽ bị chuột rút, tê liệt, buộc tôi phải buông cái ly xuống. Trong mọi trường hợp trọng lượng của ly không thay đổi, nhưng tôi càng giữ lâu, càng thấy ly nước nặng hơn.

Trong khi cả lớp gật đầu đồng ý, bày tỏ sự tán thành, giáo sư tiếp lời : Những áp lực và muộn phiền, lo lắng của các bạn rất giống như ly nước này. Nghĩ về những căng thẳng lo âu ấy chốc lát thôi chẳng sao cả. Nghĩ về những chuyện đó lâu hơn, bạn bắt đầu thấy đau nhức. Nghĩ về chúng cả ngày, bạn sẽ thấy tê liệt hoàn toàn không làm được gì cho đến khi buông bỏ chúng khỏi tâm trí.

(Sưu tầm)

Friday, October 9, 2020

NHẬT KÝ SAU KHI CHẾT

- Vào một ngày, khi tôi không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ tôi đã thấy...

Người ghét tôi, nhảy múa vui mừng

Người thương tôi, nước mắt rưng rưng.

- Ngày Động Quan...thân thể tôi nằm sâu dưới lòng đất mẹ hướng về trời tây.

Người ghét tôi, nhìn nấm mộ của tôi, niềm vui hiện rõ trên gương mặt.

Người thương tôi, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.

- Ba Tháng sau, thân xác tôi đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống tôi vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà tôi cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.

- Một Năm Sau: thân thể của tôi đã rã tan…nấm mộ của tôi mưa bay gió thổi...ngày giỗ tôi, họ vui như trẩy hội, mở tiệc hội họp ca nhạc, ăn uống linh đình.

Người ghét tôi, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên tôi...họ vẫn còn bực tức.

Người thương tôi, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.

- Mười Năm Sau: Tôi không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn.

Người ghét tôi, chỉ nhớ mơ hồ tên tôi, họ đã quên mất gương mặt của tôi.

Người yêu thương tôi nhất, khi nhớ về tôi có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.

- Vài Chục Năm Sau...nấm mộ của tôi hoang tàn không người nhan khói, quan tài nơi tôi nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu.

Người ghét tôi, đã già lú cũng quên tôi rồi.

Người yêu thương tôi nhất, cũng tiếp bước tôi đi vào nấm mộ.

- Đối Với Thế Giới Này...

Tôi đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết tôi từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì tôi dùng đã mất, những gì tôi để lại rơi vào tay kẻ khác.

Tôi phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà tôi cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào.

- Tôi nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn. Khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là tình thương. Bất giác tôi có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi.

Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc. Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm cát vàng.

Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.

(Sưu tầm từ internet)