Tác giả: Lê Nguyệt
Mấy hôm nay ông Ba nhìn bà Ba có vẻ khang khác, lúc nào cũng thấy bà đăm chiêu nghĩ ngợi điều gì. Ông muốn hỏi lắm nhưng biết bà chưa chịu tâm sự khi mà bà chưa chủ động đến ngồi cạnh bên ông. Ba mươi bảy năm làm vợ chồng rồi, đã có với nhau bốn mặt con. Bây giờ hai ông bà ai cũng ngoài sáu mươi, tóc trên đầu đã muối nhiều hơn tiêu, các con thì đều đã lập gia đình riêng tư hết rồi. Chỉ có thằng Hai là ở kế bên nhà, nó là con trai duy nhất của hai người nhưng cũng không chịu ở chung vì từ hồi cưới vợ về nó liền xin ra ở riêng. Chắc là nghe lời con vợ xúi giục bởi nó sợ làm dâu mẹ chồng và ba cô em chồng chứ gì? Thắm thoát mà cũng nhiều năm dữ rồi, rốt cuộc cũng có cãi vã gì đâu, phận ai nấy lo. Đất đai cha mẹ bên bà Ba cũng chia chát hết cho mấy đứa con rồi. Ông bà giờ chỉ còn có cái nhà hương hỏa và hai công dừa sống qua ngày chờ các con chu cấp thôi.
Nói là nói vậy nhưng tụi nhỏ cũng có hiếu lắm, chạy tới chạy lui với cha mẹ hoài, Có gì ngon cũng đem đến cho cha mẹ ăn, hàng tháng đứa cho vài trăm sống cũng thoải mái. Phần đám giỗ của ông bà Ngoại thì thằng Hai nó lo. Ông bà cũng chẳng có gì để phàn nàn cho cảnh sống ung dung tự tại của cặp vợ chồng già.
Nhưng bà Ba cũng đâu giữ hoài tâm sự trong lòng được nên buổi tối hôm đó, bà nấu bình trà ngồi uống với ông, thì thầm:
- Tự nhiên sao mấy lúc gần đây tui nhớ anh Hai quá ông. Không biết bây giờ ảnh sống ra sao trên đó, có đầy đủ, có vui vẻ nhàn hạ như vợ chồng mình hôn.
- Sao tự nhiên bà nhắc tới anh Hai vậy?
Giọng nói của bà trở nên buồn hiu hắt khiến ông Ba chạnh lòng:
- Tui trật rồi phải không ông? Tui ép ảnh chỉ tay trắng bỏ xứ đi như vậy, đến khi hay ảnh bệnh nặng tui cũng hổng đi thăm. Đám giỗ cha má ảnh chưa về cúng lần nào, nghe đâu ảnh cũng cúng ở trển. Chắc là ảnh oán hận tui lắm. Nhà có hai anh em mà tui làm vậy bạc bẽo với anh mình quá phải không ông?
Ông Ba nhìn bà Ba nước mắt ràn rụa, cảm thấy ái náy trong lòng hết sức. Ông vỗ vỗ lên tay bà, an ủi:
- Lúc đó mình cũng vì các con thôi.
Bà Ba chớp chớp mắt:
- Vì các con. Nhưng khi ảnh bỏ cuộc rồi lẽ ra tui phải chủ động làm hòa với ảnh. Đàng nầy tui cũng vô tâm, khi chị Hai bịnh nặng đem vô Chợ Rẫy chạy chữa tui cũng hổng đi thăm, đến khi chỉ mất thì chỉ có thằng Hai đại diện mình đi cúng. Càng nghĩ, tui càng thấy mình có lỗi với ảnh quá.
- Nhưng khi tui bịnh nặng phải mổ ở Chợ Rẫy ảnh cũng có vô thăm đâu?
- Thì ảnh đang giận mà? Cha má biết vầy chắc buồn lắm. Có hai anh em mà chẳng đùm bọc nhau.
Ông Ba im lặng. Biết nói gì bây giờ? Ngày đó, ông bà Hai bỏ xứ lên Sài Gòn làm ăn. Giao cha mẹ và nhà cửa cho bà Ba lúc ấy chỉ mới mười tám tuổi. Bà Ba một tay chăm sóc cha mẹ, đến năm hai mươi bốn tuổi mới gặp ông. Cưới nhau xong ông cũng về ở rể. Ông bà Hai làm ăn được nên hiếu thảo với cha mẹ lắm. Lúc đó nhà của cha mẹ bà Ba là nhà lá nền đất, ông Hai về cất lại cái nhà tường lót gạch bông cho cha má ở sạch sẽ. Ông Hai nói với bà Ba:
- Công mầy cực khổ chăm sóc cha má nên sau nầy nếu tao có về quê dưỡng già thì cái nhà nầy cũng để cho mầy, tao cất nhà khác. Đất đai chia hai phần đứa nào nấy hưởng. Đất cha má nhiều, tao biết vợ chồng mầy cũng cực khổ lắm, cũng dư sức cất nhà nhưng tao muốn góp phần cho cha má vui vì tao là con trai. Bây giờ không có tao thì vợ chồng mầy cứ việc làm, khi tao về rồi tính tiếp.
Thật lòng lúc đó ông bà Ba cũng không nghĩ ngợi gì nhiều. Trên bảo dưới nghe là phong tục của gia đình từ trước đến nay.
Rồi cha má lần lượt qua đời. Ông Hai cũng về làm mộ cha má, chi phí làm mộ đều do ông Hai bỏ ra. Anh em vẫn trên thuận dưới hòa.
Bà Ba để sòn sòn một tăng bốn đứa con, ông Hai chỉ có hai đứa. Điều kiện sống của con ông Hai tất nhiên là tốt hơn con bà Ba.
Ông Hai không về nên bà Ba âm thầm sang tên hết đất đai của cha mẹ về tên bà. Ông Hai biết nhưng cũng không nói gì.
Ba mươi năm trôi qua, các con đã lớn, đứa nào cũng có tư riêng, bà Ba làm chủ mấy mẫu đất cũng đã lâu rồi, cũng đã quên trong đó có phần của ông Hai nên chia đều cho các con mình. Trong lòng không một chút bận tâm về ông anh cả,
Về phần ông Hai, hai đứa con cũng thành đạt, đứa nào cũng có nhà riêng và công việc ổn định.
Đến khi ông Hai làm ăn không được như xưa nữa, bán nhà thanh lý nợ nần. Trong tay chỉ còn chút đỉnh tiền, ông bà muốn về quê dưỡng già. Bà Ba lúc đó đất cát đã chia cho con hết rồi, lấy đâu mà trả cho ông Hai nên mới nói:
- Tui sở hữu đất nầy đã lâu, tưởng là anh không dìa nữa nên chia chát cho con hết rồi. Bây giờ anh dìa thì cứ cất đại một cái nhà ở trong đất của tui nè.
- Có miếng lủm đất thì vợ chồng tao lấy gì sống mậy?
- Hai đứa con anh hỏng lẽ bỏ ba mẹ tụi nó sao?
- Mầy nói đi đâu vậy? Hồi trước tao đã nói với mầy rồi. Đất đai của cha mẹ là của hai anh em, đứa một nửa. Nhà là tao cất, tao là con trai lẽ ra hưởng hương hỏa nhưng tao đã hứa cho mầy rồi thì không nhắc tới nữa. Nhưng những gì của tao thì phải là của tao chứ? Là anh em ruột, tao để mầy canh tác mấy chục năm mầy lại nổi lòng tham muốn chiếm hết phần tao sao?
- Anh cũng ngộ. Hồi cha má mới mất sao anh không về chia? Bây giờ tui đứng tên mấy chục năm rồi, anh thưa kiện cũng không có được gì đâu. Anh về đây cất nhà trên đất của tui để dưỡng già chứ tuổi tác nầy còn lao động gì nổi nữa mà giành đất cát làm chi?
- Vậy là mầy muốn chiếm hữu hết đất đai của cha má chứ gì? Đất mầy chia hết cho con của mầy mà không hề nói qua với tao một tiếng. Nếu tao như người ta, hồi cha má mới mất tao đã về chia của, rồi bán hết về Sài Gòn sinh sống thì mầy làm sao? Tao làm ăn được, để lại cho em út trồng trọt, chăn nuôi. Tao thất bại về đây mầy cho tao cái nền nhà hả mậy?
- Chứ giờ anh muốn sao? Tui đâu còn gì nữa cho anh?
- Không phải cho mà là trả, đâu đó rõ ràng à mầy. Đất bây giờ mầy đã lỡ cho các con rồi thôi thì tao không nói nữa, nhưng mầy phải vận động tụi nó trả lại cho tao mỗi đứa một công. Tao chỉ cần năm công liền kề để dưỡng già thôi. Còn lại là của mầy tất. Đất cha má phải trên ba mẫu, ba mẫu là ba chục công, tao lấy năm công hẹp mầy sao?
- Anh làm anh, đi cho đã đời rồi về đây giành ăn với em út. Anh suy nghĩ lại đi, lúc cha má già yếu, ai là người bên cạnh chăm lo miếng cơm chén nước chứ? Anh có không? Cũng chỉ là tui. Tui ở với cha má từ nhỏ đến lớn, cúng giỗ một tay, tui xứng đáng được hưởng phần hương hỏa. Anh đã làm được gì cho cha má?
- Giờ ngồi kể công hả mậy? Nuôi cha mẹ mà tính toán như vậy hả? Mầy làm tao có suy nghĩ, cha má đất đai nhiều nên mầy hiếu thảo để giành phần. Nếu cha má nghèo khổ chắc mầy bỏ bê, hất hủi những ngày cuối đời rồi. Khi cha má già yếu, tiền bạc thuốc thang chạy chữa là ai bỏ ra? Không phải tao sao? Nhưng tao làm con không chăm sóc cha mẹ chu đáo như mầy nên bao nhiêu năm nay tao có tơ hào gì đến đất đai của cha má không? Phần của tao cũng để cho mầy canh tác vì tao nghĩ anh em ruột thịt, đứa nầy ngã sẽ có đứa kia nâng. Bây giừ tao và chị Hai mầy cũng già rồi, về quê mà sống những ngày cuối đời yên tịnh. Từ đầu tao cũng chỉ muốn vài công đất thôi, không có ý định chia hai với mầy.
- Nhưng bây giờ tui đã cho con hết rồi. Con trai thì có dâu, con gái thì có rể, cũng khó mở miệng đòi lại.
- Mầy nói vậy là nói ngang với tao đó hả?
- Nói ngang là anh nói chứ ai? Tui đứng tên đất mấy chục năm rồi, bây giờ anh có thưa kiện gì cũng không thắng nổi đâu?
Ông Ba còn nhớ sắc mặt ông Hai lúc đó. Môi ông mím chặt, mắt long lên, hai bàn tay nắm chặt run run giận dữ. Ông Ba sợ một cuộc xô xát không tránh khỏi xảy ra nên hoảng hốt định kêu thằng Hai qua. Nhưng ông Hai kéo tay bà Hai, hùng hổ bước ra ngoài, lớn tiếng cho cả xóm cùng nghe:
- Mấy mươi năm nay không có công đất nào tao và vợ tao cũng sống được, cũng nuôi được con tao lớn khôn. Chỉ là tao không ngờ tao lại có đứa em khốn nạn như mầy. Hôm nay, tại đây tao thề cắt đứt quan hệ với mầy và cho đến lúc chết không gặp lại mầy một lần nào. Nếu như tao sai lời, tao sẽ nhận lấy hậu quả thảm khốc.
Ông bà Hai đùng đùng bỏ đi. Bà Ba ngồi lại, mặt xanh như tàu lá chuối, một lúc lâu mới định thần và bưng mặt khóc. Bà Ba khóc suốt mấy ngày liền.
Sau đó, bặt tin ông Hai luôn.
Đến khi bà Hai bệnh nặng nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy, bà Hảo hàng xóm nuôi con gái ở đó có gặp, bà Ba mới biết là ông bà Hai mua đất cất nhà ở tận Bình Phước xa xôi. Con Tư con gái bà trước giờ qua lại tốt với hai đứa con của ông Hai tìm hiểu nên bà cũng biết loáng thoáng chỗ ở của ông hai. Ngày bà Hai mất thằng Hai có đi đưa tang.
Nhiều năm lắm rồi, bà Ba nhớ anh mình nhưng cũng không nói ra mà âm thầm để trong lòng. Bà nghĩ mình không sai, là do ông Hai không về nên bà tạm thời đứng tên. Sau đó ông cũng không về và khả năng không về của ông rất lớn. Nếu như ông về để bán hết phần của mình đem lên Thành phố bà nhất định sẽ ngăn cản vì không muốn đất của cha mẹ mất đi một góc nào. Mãi cũng không nghe ông Hai nói gì về vụ đất đai cả những khi ông về đám giỗ cha má nên bà chia cho con của mình là hợp lý, hợp pháp.
Nhưng sao mấy lúc gần đây bà lại nhớ đến ông Hai nhiều như vậy? Chẳng biết ông Hai một mình ở Bình Phước đã xẩy ra chuyện gì hay không? Nghe nói từ hồi bà Hai mất đến giờ, các con ông cứ kêu ông bán hết trên đó về ở với chúng nhưng ông không chịu, ông nói ở lại cho vong linh bà Hai được ấm áp. Mồ bà Hai ở đó và ông luôn muốn sau nầy nằm cạnh bà, người vợ đã cùng ông trải qua biết bao nhiêu buồn vui sướng khổ trong đời.
Bà Ba nói với ông Ba;
- Tui tính rồi ông, vài bữa nữa ông đi với tui lên thăm anh Hai, quì lạy ảnh cũng được để xin ảnh bỏ qua cho tui. Anh em trước giờ một lòng một dạ với nhau mà tại tui nên xa cách vậy. Càng có tuổi tui càng thấy mình bậy ông à. Ảnh không bỏ qua cho tui cũng được miễn tui gặp ảnh một lần rồi chết cũng cam tâm.
- Được rồi, Tui sẽ đi với bà.
Nhưng hừng sáng hôm sau, ông Ba kêu bà Ba dậy thì bà đã ngừng thở từ lâu. Thi thể cứng đờ.
Ông Ba hoảng kinh kêu thằng Hai đến, mếu máo kể hết chuyện buổi tối bà ba đã nói gì với ông.
Trước khi phát tang, con Tư gọi điện cho con trai của ông Hai vừa khóc vừa kể chuyện mẹ nó, van xin ông Hai vì nghĩa tử nghĩa tận mà về dự tang má nó để an ủi vong linh bà, Con ông Hai hứa sẽ thuyết phục cha nó.
Đám tang bà Ba có hai đứa con ông Hai về. Chờ mãi cũng không thấy ông Hai xuất hiện. Ai cũng trách ông cố chấp, phút cuối cũng không chịu tha thứ cho em gái của mình.
Chôn cất bà Ba xong. Ba ngày sau, người ta thấy một người đàn ông đứng bên mộ bà Ba thật lâu. Ngay tấm ảnh của bà là một bó hoa. Ông già đó đứng một hồi, đưa tay chậm nước mắt rồi quay lưng bỏ đi thẳng ra bến xe về Bình Phước.
Sưu tầm