Thursday, August 24, 2023

Hai Trầu - TÔI ĐI MÓT SÁCH

TÔI ĐI MÓT SÁCH
Tác giả: Hai Trầu

Hồi sáu bảy chục năm về trước, lúc dân ruộng quê tôi còn làm lúa mùa, mỗi lần tới những ngày cắt lúa tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, rồi gom lúa về sân, tụi nhỏ chúng tôi những ngày xa xưa ấy thường hay bưng một cái thúng dê ra đồng đi theo các cộ trâu, cộ bò người ta đang gom lúa; lúc bấy giờ tụi tôi mới lẻo đẻo theo sau các cộ lúa ấy để lượm những bông lúa bị rơi rớt dọc đường hoặc bị sót khi người ta gom lúa; và được gọi là đi mót lúa. Vậy mà mỗi ngày cũng được đầy một thúng dê có khi vun cơi ngọn luôn! Khi đem lúa về nhà, thật tình ra, đứa nào cũng sợ tía má rầy vì dan nắng suốt ngày, không lo học bài mà cứ mê đi mót lúa, nên tụi nhỏ ưa bưng thúng lúa vừa mót được để gần mấy chỗ hơi khuất như cối xay lúa, hoặc cối giả gạo; rồi lần hồi lúa mót được hơi nhiều mới đem ra sau vườn trải chiếc đệm và lấy hai chân đạp mớ bông lúa ấy để lúa rụng hột rồi gom góp có khi mãn mùa lúa đâu được năm ba giạ lúa hột như vậy. Vui lắm!

Hồi đời trước, trẻ nhỏ ở vườn có cái vui nữa là hay bắt hôi. Bắt hôi là lúc các chủ đìa, chủ mương tát đìa, tát mương làm lóng bắt cá; sắp nhỏ ngồi trên bờ chờ, khi nào chủ đìa tát đìa tát mương nước cạn khô hết, và người ta mới xuống căng hàng ngang nhiều người cùng bắt cá một lượt; lúc bấy giờ, có lịnh của chủ đìa hoặc chủ mương cho phép mình xuống bắt cá sót dưới bùn thì tụi tôi mới xuống bắt cá sót ấy; đây cũng là một hình thức đi mót cá và dân quê gọi bắt hôi là vậy! Rồi có những lúc tới mùa nhổ kiệu hoặc đào khoai lang lấy củ, thì khi trời mưa xuống những củ kiệu, củ khoai còn sót được mưa rửa sạch và nằm phơi mình trên mặt đất lúc bấy giờ mình đi lượm những củ kiệu, những củ khoai lang còn sót trong lớp đất mới đào đó; dân quê gọi là đi mót kiệu, mót khoai lang. Nói tóm lại, qua vài dẫn chứng như vậy thì như bạn thấy, cái gì tới mùa mà người ta làm sót, rơi rớt chỗ này chỗ kia mà mình lượm được thì gọi chung là mót vậy!

Rồi bạn sẽ hỏi tôi, sao lại đi mót sách? Vì lúa thóc là hột ngọc của Trời, rồi cá, rồi khoai, rồi kiệu là những vật phẩm mà tạo hóa ban tặng cho con người dùng làm thức ăn cho con người và nhờ vậy con người có miếng ăn mà sống. Đó là về thực tế cần cho đời sống thể chất; còn sách là những tinh túy của các tác giả sau nhiều năm tháng suy nghĩ, nghiềm ngẫm rồi ngồi xuống viết ra cho đời những trang văn bổ ích nuôi dưỡng tinh thần của biết bao người qua nhiều đời, nhiều thời; vậy sách cũng đâu thua gì lúa về phương diện tinh thần, nên rất cần yếu!

Ngoài ra, sở dĩ tôi nêu ý nghĩ đi mót sách vì sách mới thì còn cách này hoặc cách khác mình muốn tìm thì cũng còn có lúc dễ tìm như mình có thể mua sách được; nhưng với sách xưa, sách của khoảng sáu bảy chục năm về trước, có khi lâu hơn, rồi trải qua biết bao thăng trầm dời đổi của dòng đời thì có lúc mình muốn tìm muốn kiếm lại những quyển sách ấy, kể ra rất là khó! Chính vì vậy mà tôi lò mò đi lục tìm lại sách vở cũ cũng giống như mình đi mót lúa, mót khoai, mót kiệu, mót cá… vậy và tôi đã gom được vài ba tác phẩm của vài tác giả mà tôi có duyên may đã mót được và rất vui nên xin phép được đem ra đây để khoe cùng bạn chơi cho vui!

Trước tiên, tôi đi mót những trang trong cuốn Minh Tâm Bửu Giám của Tía tôi để lại. Hồi đó, vào thời loạn lạc giặc giã lúc Tía Má tôi bồng chống đàn con thơ dại bỏ nhà tản cư chạy giặc thì nhà ông nội tôi bị đốt cháy, mọi thứ đều bị cháy ra tro hết kể cả gạch ngói, lúc bấy giờ căn nhà của ông tôi chỉ còn sót lại một đống gạch vụn, may thay Tía tôi còn giữ được cuốn Minh Tâm Bửu Giám với gáy sách được kẹp bằng hai miếng tre chuốt mỏng. Đối với tôi đây là cuốn sách gối đầu giường, lúc nào cũng mở ra xem lại, ngoài ý nghĩa về các lời dạy trong sách mà ở đó còn là cả một nếp giáo dục gia đình từ hồi ông nội tôi dạy chữ Nho rồi tới đời Tía Má tồi lưu truyền lại; dĩ nhiên với thời buổi ngày nay, tức thời buổi bây giờ, có thể nhiều người cho rằng nền giáo dục xưa giờ đã quá cũ, quá lỗi thời rồi nhưng tôi vẫn giữ những trang sách rách ấy và không cách gì đành lòng vứt bỏ đi được!



Một vài trang trong Minh Tâm Bửu Giám, sách của Tía tôi với nẹp tre rất bền, có tuổi đời trên 100 năm, hiện tôi còn giữ được.

Thư đến, là bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư với những bài tập đọc, những bài học thuộc lòng nói lên tình gia đình, lòng từ tâm …, tôi như lúc nào cũng mê và cũng nhớ, nên bộ sách này tôi mót được và giữ hoài cho tới bây giờ!


Một trang trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận soạn.

Hồi đó lúc còn nhỏ cũng như bây giờ khi tuổi đời đã xế chiều, tôi có cái vui nữa là ưa mót tự điển và từ điển. Theo bộ Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, nhà Khai Trí xuất bản, năm 1970, phân biệt hai chữ Tự điển và Từ điển như sau:
"Tự điển (dt): Loại sách dẫn từ gốc phát sinh từng chữ và giải thích": Tự điển khó soạn hơn từ điển gấp mấy lần.// "nghĩa mới: Loại sách tập trung những tiếng nói của một ngôn ngữ sắp xếp thế nào cho dễ tìm và giải nghĩa bằng ngôn ngữ đó hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác. Khi đọc sách, gặp chữ khó hiểu, nên tra tự điển (Dictionnaire).
"Từ điển (dt):Loại sách giải nghĩa từng tiếng một, tiếng kép hay lời nói quen dùng: Từ điển Việt Nam; tra từ điển // (nghĩa mới): Loại tự điển gồm các từ ngữ: Văn liệu từ điển, Tầm nguyên từ điển, Thành ngữ từ điển (cũng có thể nói Tự điển Văn liệu, Tự điển Tầm nguyên, Tự điển Thành ngữ) [Dictionnaire des termes et expressions]

Tôi còn nhớ, cuốn Tự Điển xưa nhứt mà tôi còn giữ là cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895 do nhà Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn; sau nhà xuất bản Văn Hữu số 43/1 Chi Lăng, Gia Định tái bản ngày 20-9-1974, dày 596 trang.

Thêm nữa tôi cũng mót được bộ Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị do nhà xuất bản Thời Thế , Sài Gòn, xuất bản năm 1951. Bộ từ điển này là phần thưởng "Ưu hạng" của bà xã tôi khi lãnh thưởng hồi còn học lớp Đệ Thất năm 1957 ở Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Bộ tự điển này gồm 2 quyển, nhưng in chung, dày 1669 trang và có cái hay là mỗi chữ đều có chua thêm phần tiếng Pháp và cuối sách có phần Phụ Lục liệt kê tất cả các chữ Pháp theo thứ tự ABC và số trang để giúp cho việc tìm nghĩa của chữ Pháp rất tiện lợi. 
Tiếp nữa, tôi mót được bộ Việt Nam Tự Điển, gồm 2 quyển Thượng và Hạ, dày 1865 trang, của giáo sư Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ do nhà Khai Trí, Sài Gòn, xuất bản năm 1970. Điểm đặc biệt của bộ tự điển này là cuối mỗi quyển Thượng & Hạ đều có thêm phần Phụ Lục gồm hai phần:"Tục Ngữ, Thành Ngữ" và phần "Điển Tích, Nhân Danh, Địa Danh". 

1/ Quyển Thượng (từ chữ A tới chữ L), phần Tục Ngữ, Thành Ngữ và Điển Tích: 214 trang; phần Nhân Danh, Địa Danh: 135 trang. 
2/ Quyển Hạ (từ chữ M tới chữ X), phần Tục Ngữ, Thành Ngữ và Điển Tích: 162 trang; phần Nhân Danh, Địa Danh: 137 trang. 
Nếu kể luôn phần phụ lục, bộ tự điển này dày tổng cộng 2.514 trang. Và qua nhiều năm tra từ điển và tự điển, thì tôi thấy đây là bộ Tự Điển đáng tin cậy nhứt và lúc nào chữ nào mà tôi không biết hoặc nghi ngờ, tôi đều tra ở bộ tự điển này.

Lần hồi tôi cũng mót thêm được trọn bộ Thành-Ngữ Điển-Tích Danh-Nhân Từ-Điển (gồm 2 quyển) của giáo sư Trịnh Vân Thanh, nhà xuất bản Hồn Thiêng, Sài Gòn,1966, dày 1474 trang. Rồi tôi cũng mót được bộ Tự-Điển Thành-Ngữ Điển-Tích của Diên Hương, in kỳ nhứt 1949, kỳ nhì 1954, Zieleks Publihing Co. tái bản kỳ ba, Houston, 1981, sách dày 503 trang.

Về tự điển chữ Hán, tôi mót được bộ Hán-Việt Tự-Điển của Thiều-Chửu, bản in năm 1990, gồm ba phần:
1/ Cách tra chữ đánh số La mã từ số V tới số XV: Mục tra chữ.
2/ Phần bị yếu: gồm tất cả các chữ, 817 trang.
3/ Phần Mục Lục (tra theo vần A.B.C… có chữ Hán đối chiếu, gồm 92 trang.) 

Lại mót thêm bộ Hán-Việt Tự-Điển của Nguyễn Văn Khôn, Sài Gòn, 1960; gồm 10.000 đơn tự và 40.000 từ ngữ, sách dày 1161 trang; Đại Nam tái bản năm 1987. Theo lời "Tự-Ngôn", soạn giả viết: "Để biên soạn quyển sách này, tác giả đã phải tham khảo các cuốn Khang-Hy tự-điển, Từ-Hải, Từ-Nguyên, Trung-Quốc đại từ-điển, Tiêu chuẩn quốc âm đại tự-điển, Vương-Vân-Ngũ đại từ điển, Anh-Hán đại từ điển của Hoàng-Sĩ-Phục, v.v…"(Sài Gòn, ngày 30 tháng 6 năm 1960).

Tôi cũng mót được bộ Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh, sách dày 828 trang. Nhắc tới soạn giả Đào Duy Anh, không thể không nhắc đến bộ Từ Điển Truyện Kiều; theo "Lời đầu sách", soạn giả cho biết bản thảo quyển Từ Điển Truyện Kiều viết xong tháng 11 năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du và in vào tháng 12 năm 1971, sách gồm hai phần: phần Từ Điển dày 449 trang và phần Phụ Lục: Văn bản Truyện Kiều do Đào Duy Anh khảo đính dày 104 trang.
Ngoài ra, tôi cũng mót được các bộ từ điển tầm nguyên của soạn giả Bửu Kế như bộ Tầm Nguyên Từ Điển (Cổ Văn Học Từ Ngữ Tầm Nguyên), nhà xuất bản Thanh Niên, 2005, sách dày 734 trang; và bộ Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên, nhà xuất bản Thuận Hóa, 1999, sách dày 2.812 trang.

Có lẽ cuốn tự điển La Rousse Classique Illustré, của nhà xuất bản Librairie Larousse, Paris, bản in lần thứ 10, năm 1950 là cuốn sách khá xưa trong số các sách mà tôi còn lưu giữ được. [Đặc biệt, cuốn tự điển này tôi có được do anh Dương Văn Chơn, Trưởng Ty Thanh Niên Châu Đốc hồi mấy năm 1963-1965, cháu ruột gọi thầy Dương Văn Út (Tân Châu), bằng chú, tặng năm 1965.)(giá tiền hồi đó ghi là 165$]

Ngoài ra, sau này tôi còn gom góp thêm được nhiều bộ tự điển & từ điển nữa như các bộ Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc (2 quyển I & II) dày 2.005 trang; và cuốn Từ Điển Hán Việt Thành Ngữ Cố Sự (dày 554 trang khổ lớn); cả hai bộ từ điển này do bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh biên soạn. Rồi có thêm các bộ tự điển về Văn Học Quốc Âm, của Nguyễn Thạch Giang, dày 1.595 trang; về Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, dày 1.392 trang; từ điển về Tục Ngữ và Thành Ngữ; về sinh ngữ tôi mót được rất nhiều cuốn như Từ Điển Anh Việt, Từ Điển Việt Anh, Từ Điển Pháp Anh, Từ Điển Anh Pháp…

Ngoài ra còn có bộ Từ Điển Phật Học Hán Việt của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, sách dày 1.572 trang. Đặc biệt, tôi cũng giữ được quyển Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, đây được coi như bộ tự điển bách khoa Việt Nam.

Ngoài ra , tôi cũng giữ được bộ Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ (2 quyển), Quyển I dày 1.115 trang; Quyển II dày1.139 trang, do Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu (Sài Gòn) ấn hành quyển I năm 1970, quyển II năm 1972. Lúc bấy giờ, những năm 1970-1972, bộ sách này đúng là bộ từ điển đầu tiên về Cây Cỏ Miền Nam rất khó có bộ sách nào qua mặt .

Với bộ Tự Điển Bách Khoa Encyclopaedia Britannica bản in 1973-1974 và cuốn Book Of The Year 1977(Events of 1976), đúng là bộ sách rất quý mà tôi có duyên mót được. Số là vào một hôm nhằm ngày trời mưa lăm răm, tôi đi bộ qua vài con đường gần nhà vùng Randoph, Massachusetts, cách Boston chừng 30 phút lái xe, lúc bấy giờ tôi ở vùng Randoph này, thì gặp một đống sách mà chủ nhà người Mỹ để trong các thùng giấy carton không dán kín và bỏ bên lề đường với tấm giấy ghi bằng tiếng: "Làm ơn lấy giùm tôi, miễn phí!" và tôi ghé lại coi đống sách ấy là sách gì? Thì ra, đây là bộ Tự Điển Bách Khoa Encyclopaedia Britannica bản in 1973-1974 và cuốn Book Of The Year 1977(Events of 1976), còn rất mới và tôi quay về nhà lấy xe tới, hè hụi bưng sách bỏ lên xe và chở sách về nhà. 

Sau này được biết, ở Mỹ có cái vui là ông chủ nhà này dời nhà đến ở một nơi khác và bộ sách này gồm 30 cuốn lại thêm cuốn Book of year 1977 nữa nên khá nặng, nên họ đem ra đường bỏ và mình lượm đem về. Về đến nhà, tôi mới mang sách vô nhà xe và hong gió cho sách khô ráo vì có một vài trang bị ẩm do mưa lăm răm hoặc nằm qua đêm ngoài trời nên sương xuống sách bị ướt. Qua coi lại bộ sách này xuất bản năm 1976 thì rất cũ đối với chủ của nó và kể cả của nhiều người nhưng với tôi đây là sách còn rất mới mà nhiều lúc nằm mơ cũng không thể mua nổi vì giá rất mắt tiền! (Theo tự điển Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ "mắt" viết với "t" chứ hổng phải "mắc"). Và, như bạn biết, bộ tự điển này là cái túi khôn của loài người gói gọn trong mấy chục ngàn trang sách ấy mà cả đời mình không cách gì học hỏi cho cùng tận được! Tôi mê nó lắm dù chữ nghĩa tiếng Anh chưa đầy lá mít và giữ nó như một kỷ niệm của những ngày đi mót sách.

Nhắc về chánh tả qua cách tôi dùng từ điển & tự điển, tôi có kể với nhà văn Song Thao nghe qua trong bài "Lai rai với nhà văn Song Thao" hồi tháng 9.2020, tôi viết:

"Thỉnh thoảng tôi có ghi lai rai chơi về ba cái vụ mùa màng cây trái ở miền quê tôi, và vì là dân quê nên tôi rất dở và rất sợ chánh tả; nên lúc nào cũng chất đầy một đống tự điển, từ điển chỗ ngồi viết, chữ nào mình nghi nghi là mở tự điển ra coi lại liền hà; có khi phải mở ba bốn bộ tự điển cùng một lúc thì tôi mới dám viết xuống; vậy mà rồi có lúc cũng bị lỗi nhe anh Song Thao! Đặc biệt, chuyện tôi kể về việc làm ruộng thường là chuyện xa xưa lâu rồi, nên tôi ưa dùng các bộ tự điển xuất bản từ hồi rất xưa như bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895), bộ Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị (nhà xuất bản Thời Thế, Sài Gòn, 1951), bộ Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (nhà Khai Trí, Sài Gòn, 1970) và nhiều bộ tự điển khác có tới cả chục bộ. 
Tôi theo qui tắc tự đặt ra là: "Cứ hai hoặc ba bộ tự điển của ba tác giả khác nhau giải nghĩa về một chữ mà cách viết chữ đó giống nhau là tôi tin chữ đó viết trúng vậy!"
Thành ra, nếu trong các chữ nào tôi dùng trong các bài tôi viết là tôi đã lật nhiều tự điển lắm mới dám viết xuống; nếu có lỗi là do mình đánh máy trật chứ hổng phải tự điển trật!" 

Ngoài các loại tự điển & từ điển, tôi còn mót được một số sách của các tác giả mà tôi đọc được như hơi xưa xưa có các học giả Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Phan Bội Châu, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Linh mục Thanh Lãng, giáo sư Nguyễn Đăng Thục, sử gia Phạm Văn Sơn, giáo sư Phạm Thế Ngũ, học giả Nguyễn Hiến Lê, học giả Vương Hồng Sển…; còn gần gần như có các tác phẩm của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, , nhà văn Vũ Thất, nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung, Ngô Thế Vinh, Võ Phiến, Lâm Chương, Nguyễn Đình Toàn, Trần Doãn Nho, Song Thao, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Vy Khanh, Trần Trung Đạo, Nguyễn Xuân Thiệp, Tô Thùy Yên, Phan Xuân Sinh, Lữ Kiều-Thân Trọng Minh,Trần Gia Phụng, Ngu Yên, Lâm Hảo Dũng, Trần Phù Thế, Đức Phổ, Hoa Văn, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Phạm Cây Trăm, Dư Mỹ, Nguyễn Thị Lộc Tưởng, Trần Bang Thạch, Lê Cần Thơ, Đặng Kim Côn, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Thị Khánh Minh,Nguyễn Hiền Đức và nhiều, nhiều lắm, hổng kể xiết…!

Đặc biệt, theo như tài liệu trên các sách của Nguyễn Hiến Lê đã xuất bản tổng cộng gần 120 tác phẩm, và tôi mót được 75 cuốn trong tổng số này, những cuốn chủ yếu trong các chủ đề về "Luyện văn", "Học làm người" và "Triết học Trung hoa", "Cổ văn Trung Quốc", Du ký, Hồi ký... 

Đặc biệt, các sách của học giả Vương Hồng Sển viết về thú chơi sách, thú đọc truyện Tàu và viết về miệt Hậu Giang mà tôi lò mò mót được cũng khá bộn!

Mấy năm gần đây tôi cũng hay đi mót sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, và tôi hiện có được khoảng 25 cuốn trong số 56 tác phẩm của tác giả, đặc biệt là các loại sách du ký, ghi chép lang thang và các loại sách về sức khỏe, về tuổi già, về an lạc và về Phật học.

Thưa bạn, 

Mót sách coi vậy mà rất cực và mất rất nhiều thời giờ, có khi phải trải qua thời gian khá lâu! Với số sách ít ỏi mà tôi vừa khoe với các bạn, tôi phải mày mò rất lâu có khi bắt đầu từ hồi còn học lớp nhứt, rồi lớp Đệ Thất, Đệ Lục cho dĩ chí tới hôm nay mà việc mót sách cũng còn đang tiếp tục; tức là thời gian dài có tới sáu bảy chục năm có hơn!

Như bạn biết tôi là đứa trẻ nhỏ lớn lên ở nhà quê, nhà lại nghèo nên học hành hổng được nhiều, nên sách vở lúc nào có dịp thuận tiện là tôi mót sách để đọc và học hỏi thêm. Hồi đó, ở nhà quê ít ai có tủ sách, vì dân quê chuyên làm ruộng thì làm gì có tủ sách đã đành; mà ngay như ở thành thị, đa phần là dân buôn bán, có người cho con học hành thì đôi lúc có sách trong nhà nhưng nói có tủ sách thì cũng ít người có; còn công chức thì việc chính của nghề cạo giấy là việc hành chánh, công văn giấy tờ, nên trong các nhà của giới công chức này nếu có tủ sách thì sách chắc cũng hổng được nhiều và chủ yếu là sách hồi các viên chức này lúc còn đi học, may mắn lắm mới còn sót lại một số sách; nhưng tủ sách đúng nghĩa của nó, chắc sách trong các nhà quyền thế này cũng tương đối thôi chứ hổng phải nhà nào cũng có tủ sách và có sách đầy đủ được!

Ở làng tôi, theo chỗ người lớn kể lại thì chỉ có chú Năm Ngữ là có tủ sách với các bộ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, các báo Nam Phong, báo Lục Tỉnh Tân Văn và vài quyển sách chữ Nho, cùng truyện Tàu; còn lớp sau này thế hệ lớp tụi tôi thì mỗi nhà đều có vài quyển sách và tập vở học hồi các lớp sơ học, tiểu học, trung học đều để trong các tủ đựng chén dĩa ráo trọi…, mà hồi đó gọi là tủ "garde manger", tức tủ đựng thức ăn để tránh ruồi, chứ không sang trọng như loại tủ "buffet", loại tủ đựng ly tách, bình trà. Mấy năm còn nhỏ, hồi thế hệ của anh tôi, rồi tới thế hệ tôi và đến thế hệ đứa em út của tôi, nhà tôi có được một số sách gom góp nho nhỏ như vậy. 

Nhưng tới lúc thắt ngặt sau năm 1975, mấy đứa cháu tôi còn nhỏ, vô tư lự, bèn lấy sách và tập vở của mấy cậu đem ra chợ cân kí lô cũng bộn; rồi còn cái nạn ở vườn, nhà cất trên nền vườn cao cho nước khỏi ngập nên dễ bị mối lên ăn cây gỗ sườn nhà và ăn luôn sách vở học trò gần như muốn nhầu nát hết. May sao, tụi nhỏ còn để lại được mấy cuốn tự điển lớn và dày và mấy cuốn sách bìa cứng hơi dày như cuốn Nhà Văn Hiện Đại nhà xuất bản Thăng Long (Sài Gòn) ấn hành năm tháng 5.1960 và cuốn Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng của Krisnamurti, Phạm Công Thiện dịch, do nhà An Tiêm xuất bản năm lần thứ nhứt, 1968; cả hai quyển này tôi mót ở nhà sách Vinh Ba, đường Phan Đình Phùng, Long Xuyên, hồi năm 1968.

Mót sách cực như vậy nên mình phải đọc sách mà mình đã mót được chứ hông thôi lại "uổng công xúc tép nuôi cò, gom cho sách mục, mối bò mối ăn"! Thế là tôi mày mò đọc một lần, rồi quyển nào mình thích thì đọc lại, đọc tới đọc lui vài ba lần, vừa để giải trí, mà cũng vừa để học hỏi nữa. Trong khi đọc sách tôi thích ngồi đọc (chứ hổng thich nằm vì nằm dễ buồn ngủ) với cây viết chì trên tay và ghi ghi chép chép bên lề các trang sách chỗ nào mình thấy thích, thấy hay, rồi để đó; vài ngày sau hoặc một lúc rất lâu sau, lại lấy sách ra đọc lại và có thể có ý mới về đoạn sách đã đọc đó rồi ghi thêm cảm tưởng. Vì thế sách của tôi quyển nào cũng đầy vết viết chì, nhưng chắc chắn là không bao giờ tôi bẻ làm đôi quyển sách để đọc vì làm như vậy gáy sách sẽ bị gãy, uổng lắm và mất vui! Thành ra, bạn thấy sách tôi dù gom góp rất lâu nhưng bìa còn rất mới mà trong ruột sách thì nguệch ngoạc, loằng ngoằng, xiên xẹo…, nếu người khác có dịp mà gặp được chắc lấy làm khó chịu! Vậy mà vui lắm!

Từ ghi vài cảm tưởng sau khi đọc xong một quyển sách nhằm mục đích chính là giải trí và trị được chứng bịnh kém trí nhớ, ưa quên trước quên sau do sau nhiều năm phá rừng, đào kinh, làm ruộng nên đầu óc tôi luôn luôn bị căng thẳng đến độ nhiều lúc nằm chiêm bao thấy toàn là chuyện cực nhọc và sách vở cũng theo thời gian trả hết lại cho thầy hồi còn đi học; lúc bấy giờ trong đầu óc gần như hổng còn một chữ nào chứ nói gì "chưa đầy lá mít" như bà con ưa ví von như vậy! Thế rồi, từ những ghi chép cảm tưởng ấy, tôi gom góp lại cũng hơi bộn bộn và mày mò tìm mót sách thêm và đọc thêm, rồi ghi thêm như vậy mà cái bịnh kém trí nhớ dần dần bớt được ít nhiều! Vui lắm! 

Từ đó tôi rút ra bài học là mình cứ căm cụi mót sách, cặm cụi đọc sách và căm cụi ghi chép cảm tưởng, rồi cặm cụi gom góp những ghi chép ấy lại và sau cùng bạn có một xấp thiệt là dày những bài học mà bạn rút ra được từ những trang sách mà bạn đã mày mò gom mót từ sáu bảy chục năm ấy và tự bạn, bạn sẽ tìm cho bạn một niềm vui nho nhỏ mà nhiều lúc nếu bạn có tiền muôn bạc vạn chưa chắc gì bạn mua được niềm vui ấy!

Mình mót sách là mót cho mình; mình đọc sách là đọc cho mình; và mình ghi cảm tưởng sau khi đọc xong một quyển sách cũng là công việc mình làm cho chính mình chứ hổng phải mình làm cho ai khác, kể cả các tác giả viết nên những quyển sách ấy! Do vậy, mót sách vui lắm và bổ ích dữ lắm! Tôi nói thiệt đó và bạn nên tin tôi về điều này đi, nhe bạn!

Hai Trầu
Houston, ngày 30.11.2020

No comments:

Post a Comment