Sunday, December 29, 2019

Khi ăn đừng gắp cho người

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
25/01/2015 12:02 GMT+7)

TT - Trong nhiều buổi tiệc tùng, họp mặt dễ thấy cảnh một thực khách dùng đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho những người ngồi cùng bàn.

Người gắp không biết người cùng bàn nhiều khi khó chịu nhưng không nói ra.

Có người lấy đũa mình đang ăn để gắp cá, thịt... bỏ vào chén của người cùng bàn hoặc gắp rau, hải sản cho vào nồi lẩu và nhúng đũa đè rau xuống nồi.

Có người lấy muỗng hoặc vá múc nước trong nồi lẩu để nêm nếm, xong lại lấy cái muỗng đó khuấy nồi lẩu rồi nếm tiếp, rồi múc lẩu cho vài người.

Một số người vẫn nghĩ rằng gắp cho người, múc cho khách thể hiện sự tôn trọng người khác. Nhưng điều này hoàn toàn là võ đoán.

Thử hỏi một người bệnh gút, bệnh thừa mỡ máu đang ăn kiêng, chúng ta lại gắp cho họ hải sản, thịt đỏ thì họ có ưng bụng không?

Ðơn giản hơn, một người ăn chay trường, lại bị “phục vụ”, bị gắp cho món mặn thì cũng kỳ và khó xử.

Tôn trọng hay  mất vệ sinh?

Các bệnh truyền nhiễm lây lan qua thực phẩm hay đồ uống là một vấn đề phổ biến, gây lo lắng và đôi khi đe dọa tính mạng con người.

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính mỗi năm có một trong sáu người Mỹ (48 triệu người) bị bệnh, 128.000 người nhập viện và 3.000 người chết vì các bệnh lan truyền từ ăn uống.

Một trong những bệnh lan truyền do đường miệng này là viêm gan siêu vi A.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virút gây viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, một người lành ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm mầm bệnh (phân của người bệnh) sẽ mắc bệnh viêm gan A.

Virút cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người nhiễm, nhưng khả năng ít hơn nhiều.

Cũng theo WHO, ở các nước đang phát triển với điều kiện vệ sinh môi trường kém thì hầu hết trẻ em (90%) bị nhiễm viêm gan siêu vi A trước 10 tuổi.

Theo Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE), trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Vi khuẩn này gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày - tá tràng như: chứng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng. Vi khuẩn H. pylori có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh và lan truyền chủ yếu qua ăn uống.

Do đó, để tránh lây nhiễm cần ăn chín, uống sạch, tránh các thói quen xấu như: uống chung ly rượu, chấm chung nước mắm, lấy đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người bên cạnh...

Từ những thông tin trên, có thể kết luận rằng dùng đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người khác là thiếu vệ sinh và có khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm.

Tránh chung đụng

Mâm cơm gia đình của đa số người Việt thường chung cơm, canh, cá, thịt... nhưng chén đũa riêng. Chúng ta có thể dùng chung tô canh (vá riêng), giẽ chung miếng cá, gắp chung đĩa thịt kho... nhưng chẳng ai dùng chung đũa chén cả; nếu nghi dùng nhầm thì có lẽ mọi người, kể cả tôi, sẽ thay bộ khác ngay.

Và đương nhiên, nhiều người không dám ăn những món đã bị người khác khoắng lên bằng đũa đang ăn của họ.

Nhờ ý thức, ngày nay việc ăn chung đũa cũng đã có phần cải thiện: gắp đũa hai đầu, bố trí muỗng nĩa, vá, đũa... ở các món chung. Nhiều gia đình người Quảng tổ chức giỗ kỵ, liên hoan bằng món đặc sản mì Quảng nổi tiếng. Ðây thật sự là món buffet dân dã Việt Nam.

Chủ nhà nấu chuẩn bị: một nồi nhân lớn thịt gà, thịt bò, tôm, trứng... một lượng nước dùng thích hợp, đủ thứ rau và gia vị cần thiết. Khách khứa chỉ việc chọn loại thích dùng, lượng theo ý... người trước, kẻ sau đều thỏa mãn.

Tiệc đứng kiểu này có ưu điểm: một là hợp khẩu vị, nhu cầu dinh dưỡng, ai nhiều ai ít tùy chọn; hai là rất vệ sinh, tránh chung đụng đũa, chén, muỗng, nĩa và ba là tiết kiệm và hợp lý.

Ăn uống bao hàm dinh dưỡng, khoa học và văn hóa. Một thức ăn ngon, hợp khẩu vị nhưng thiếu khoa học, kém vệ sinh chắc chắn sẽ không được số đông chấp nhận.

Vì vậy khi ăn tiệc, liên hoan... trong trường hợp đối đế, nếu muốn chia thức ăn cho người cùng bàn, bỏ rau, thịt, cá vào nồi lẩu thì không nên dùng muỗng đũa mình đang ăn để gắp, múc mà hãy dùng mỗi người một bộ đồ ăn riêng.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

No comments:

Post a Comment