Tác giả: Liem Mai
- Mời anh dùng nước.
- Đây không phải là trà, thế nước uống gì vậy anh?
- Cái này là nụ vối, người ta gọi là trà nụ vối, hay là trà vối. Pha như pha trà. Uống tiêu cơm mà không mất ngủ.
- Vâng, để tôi xin anh một ít đem về nhà uống.
- Hôm nay anh muốn nói chuyện gì đây anh?
- À, tôi muốn hỏi anh một điều về chánh tả. Chìu chuộng không có Ê hay là Chiều chuộng, có Ê?
- Tại sao anh hỏi điều này?
- Xưa nay tôi vẫn nghĩ Chiều Chuộng là đúng chánh tả. Nay có người cho hay Đại Nam Quấc (ML – tức Quốc) Âm Tự Vị của Paulus Huình (ML – tức Huỳnh) Tịnh Của ghi là Chìu Chuộng, nên cho Chìu Chuộng là đúng. Anh nghĩ sao?
𝗖𝗵𝗮́𝗻𝗵 𝘁𝗮̉ 𝗾𝘂𝗮 𝗧𝘂̛̣ đ𝗶𝗲̂̉𝗻
- Khi bàn luận về chánh tả, tôi thường cổ võ việc dùng tự điển. Cũng như trong các ngôn ngữ khác, đây là cách dễ dàng và hiệu quả. Trong trường hợp này, với các tự điển tiếng Việt tôi thường dùng (xem [1] -> [11] trong phần tham kháo cuối bài), 6 cuốn xuất bản trước 1975, 5 cuốn sau 1975 thì tất cả mọi tự điển, ngoại trừ [1] đều ghi Chiều Chuộng, chỉ có [1] ghi Chìu chuộng. Thế thì anh cũng đoán kết luận là chữ nào đúng chánh tả.
- Lỡ như thiểu số thắng đa số trong trường hợp này thì sao hả anh?
- Vâng, điều này cũng không phải là không thể xảy ra. Tôi đã viết một bài đánh giá các tự điển. Riêng về tự điển của Huỳnh Tịnh Của (1895), đây là cuốn tự điển chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, khi chữ Quốc ngữ mới được dùng song song với chữ Pháp trong hành chánh vai mươi năm, tức là khi chữ Quốc ngữ còn trong giai đoạn đang sơ khai. Sau này, khi có những công trình nghiên cứu về tiếng Việt được tiến hành, chánh tả được cải tiến theo chiều hướng hợp lý tránh những phát âm sai địa phương gây sai cho cả nước. Do đó, [1] chỉ nên dùng để tham khảo chứ không nên cả tin.
- Anh nghĩ lý do gì mà [1] ghi sai không anh?
- Ông Huỳnh Tịnh Của là một người uyên bác, biết chữ Pháp lần chữ Nho. Tuy nhiên ông là người Nam, sinh quán ở Bà Rịa. Một số người Nam với các âm ÊU, IÊU thường hay nói thành IU. Thí dụ:
"Bay kêu thằng Tư sang cho tao biểu"
nói thành
"Bay kiu thằng Tư sang cho tao bỉu"
Trong trường hợp này, tôi ngờ rằng Chiều chuộng bị nuốt chữ Ê biến thành Chìu chuộng và đi vào tự điển [1] qua ngả đó.
- Anh nói phải. Dùng tự điển là cách dễ dàng nhất cho mọi người. Nhưng không phải ai cũng có nhiều tự điển như anh. Thế thì làm sao?
- Cám ơn anh hỏi một câu trúng ý tôi. Nếu bảo tôi chọn ra ba tự điển thì đây: [6], [11] và [2], theo thứ tự giá trị qua sự đánh giá của tôi.
Tự điển [6] (1970) do Lê Ngọc Trụ soạn chung với Lê Văn Đức, thật ra hiệu đính về chánh tả. Ông Trụ, người Nam, là chuyên viên hàng đầu về chánh tả Việt ngữ, giáo sư môn Chánh tả tiếng Việt tại đại học Văn Khoa miền Nam trước 1975, có nhiều công trình nghiên cứu về chánh tả từ thập niên 1930, kéo dài hơn 40 năm sau đó. Tự điển [11] (2021, in lần đầu 1988) do Hoàng Phê, anh ruột nhà toàn học Hoàng Tuỵ, soạn cùng một số người khác, tôi cho là khá nhất trong các tự điển xuất bản sau 1975 tại Việt Nam. Tự điển [2] do hội Khai Trí Tiến Đức (1931), quy tụ nhiều tinh hoa học thuật thời đó, soạn ra. Tuy nhiên do thời gian quá lâu, những công trình nghiên cứu sau này đã chỉ ra một số điểm sai. Đây là lý do tôi xếp ba tự điển này, theo thứ tự giá trị như thế.
𝗧𝗿𝗼𝗻𝗴 𝗯𝗮 𝘁𝘂̛̣ đ𝗶𝗲̂̉𝗻 𝗻𝗮̀𝘆, [𝟲], [𝟮] đ𝗮̃ 𝗰𝗼́ 𝘀𝗮̆̃𝗻 𝘁𝗿𝗲̂𝗻 𝗺𝗮̣𝗻𝗴, [𝟭𝟭] 𝘁𝗵𝗶̀ 𝗺𝘂𝗮 𝗿𝗮̂́𝘁 𝗱𝗲̂̃ 𝗱𝗮̀𝗻𝗴 𝗼̛̉ 𝗩𝗶𝗲̣̂𝘁 𝗡𝗮𝗺. Sự khác biệt giữa ba tự điển không nhiều, khi có khác biệt thì theo sự xếp hạng bên trên mà quyết định. 𝗩𝗮̣̂𝘆 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰 𝗯𝗮̉𝗼 𝗸𝗵𝗼̂𝗻𝗴 𝗰𝗼́ 𝘁𝘂̛̣ đ𝗶𝗲̂̉𝗻 đ𝗲̂̉ 𝗵𝗼̣𝗰 𝗵𝗼̉𝗶, 𝗯𝗮̀𝗻 𝗹𝘂𝗮̣̂𝗻 𝗹𝗮̀ 𝗰𝗵𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗸𝗵𝗼́ 𝗯𝗶𝗲̣̂𝗻 𝗺𝗶𝗻𝗵 đ𝘂̛𝗼̛̣𝗰. Không dùng tự điển nào, chỉ dựa theo trí nhớ về những gì học vài chục năm trước, thì hoang mang hay sai lạc về chánh tả là lẽ đương nhiên.
- Cám ơn anh nêu điểm quan trọng này. Như vậy theo cách dùng tự điển mà anh nói, và chỉ dùng b tự điển trên thì kết luận chiều chuộng là đúng chánh tả phải không anh?
- Vâng, đúng vậy anh.
- À tôi có một thắc mắc là có người gọi là tự điển, có người gọi là từ điển thì cái nào mới đúng hả anh?
- Khi soạn cuốn Hán Việt từ điển (1932), Đào Duy Anh, cho rằng tự điển chú trọng chính về "tự", tức chữ đơn, còn từ điển chú trọng về "từ", tức cả chữ đơn (một âm) lẫn chữ kép (hai âm). Do đó, các sách của Thiều Chửu và Khai trí Tiến Đức là tự điển, còn sách của ông, ghi chú rất nhiều về chữ kép bên cạnh chữ đơn, gọi là (Hán Việt) từ điển. Tuy nhiên, các nhà soạn sách sau đó, như Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, có đề cập rất nhiều về chữ kép, nhưng vẫn gọi sách của họ là tự điển. Đo đó, theo tôi ranh giới giữa tự điển và từ điển hiện nay mờ nhạt. Một tự điển đầy đủ thì sẽ ghi cả chữ kép, tức cũng là từ điển. Tiện đây cùng xin nói là người ta còn có "tự vị", nghĩa cũng như tự điển.
𝗧𝗶̀𝗺 đ𝗲̂́𝗻 𝗴𝗼̂́𝗰 𝗰𝗵𝘂̛̃
- Ngoài cách dùng tự điển, còn có cách nào khác không anh.
- Có anh ạ. Có cách của các nhà tự điển học. Khi soạn tự điển, thường phải cân nhắc nhiều điều, trong đó tìm hiểu gốc chữ. Khi quyết định chánh tả của chữ Nôm cũng như chữ Hán Việt - chữ Hán đọc theo giọng người Việt và dùng trong câu nói hay văn của người Việt - người ta thường tìm đến chính tả của những chữ lân cận.
- Cách này có khó không anh?
- Cách này không dễ dàng. Cần biết một số căn bản của tiếng Việt, về chữ Nôm lẫn chữ Hán và dĩ nhiên cần có cả tài liệu nữa.
- Anh có thể dùng cách này để quyết định Chiều Chuộng, phải viết với Ê là đúng chánh tả không anh?
- Vâng, toi xin trình bày đây anh. Ở đây tôi dựa vào truyện Kiều, bản Kinh 1870, do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị (xem [12]). Dựa vào những bản kiếu khác cũng đưa đến cùng kết luận.
Chiều, theo Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970), có những nghĩa:
a) (danh từ) Khoảng thời gian từ quá trưa đến tối.
b) (danh từ) bề, phía, chiều dài, chiều rộng
c) (danh từ) vẻ, nét, dáng trông thấy bên ngoài
d) (động từ) dựa theo ý người khác, thí dụ chiều chuộng, cư xử theo ý muốn của người; và những chữ kép khác chiều luỵ, chiều lòn.
Tôi tạm thời để nghĩa b), c) sang một bên, chỉ nói về a) và d). Với nghĩa a) thì chắc mọi người đều đống ý phải viết với Ê nghĩa là buổi chiều, chiều rôi … là đúng chánh tả.
Tìm trong [12], nói về Chiều nghĩa a): buổi chiều, chiều tối …
(câu 114)
䏾 朝 㐌 我 𨤮 槐 群 賒
Bóng chiều đã ngả, dặm hoè còn xa.
Ta thấy, chữ Nôm Chiều mượn âm từ chữ Hán 朝, có nghĩa là sáng sớm mà cũng có nghĩa là một ngày. Cũng xin lưu ý là ngữ pháp )tức văn phạm) của câu nói chữ Việt khác với ngữ pháp của câu nói trong tchữ Hán. Trong câu văn chữ Hán thì đọc là Triêu mà trong câu văn chữ Nôm của người Việt đọc là Chiều.
Bây giờ ta thử xem Chiều theo nghĩa d), động từ, chiều chuộng, chiều ý người khác thì chữ Nôm viết thế nào? Có hai cách viết: một là dùng cả chữ 朝 không thay đổi, hai là ghép thêm bộ Tâm (trái tim, tấm lòng) thành 𢢅
(câu 1622)
𢢅昆買𠰺默油𠚢𢬣
Chiều con, mới dạy mặc dầu ra tay.
(Câu 2370)
𫯳鍾渚易埃朝朱埃
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!
Như vậy nếu ta đồng ý là là buổi chiều, chiều tối viết với Ê thì theo cách cấu tạo chữ Nôm, chiều chuộng chiều ý cùng phải viết với Ê.
Sẵn đây, chiều theo nghĩa b) (danh từ) bề, phía, chiều dài, chiều rộng và c) danh từ) vẻ, nét, dáng trông thấy bên ngoài thì chữ Nôm cũng viết là 朝
(nghĩa b, câu 1822)
儈頭納𫴋𡑝枚𱥺朝
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều.
(nghĩa c, Câu 188)
固 朝 風 韻 固 朝 清 新
Có chiều phong vận, có chiều thanh tân.
Tóm lại, nếu ta biết được chữ Nôm cấu tạo thế nào và có văn bản chữ Nôm thì ta có thể kết luận là với cả 4 nghĩa a), b) c) và d) (chiều chuộng) phải có cùng cách đọc và viết giống nhau theo Quốc ngữ là Chiều, đi với chữ Ê.
- Cám ơn anh giải thích tường tận. Tôi biết có người cho Chìu Chuộng là đúng vì họ cho Chìu chuộng xuất phát từ Chịu, dựa vào ý nghĩa, nên phải viết không có Ê.
- Đây là một kiểu phỏng đoán, dễ sai lạc lắm anh ạ, ngay cả những học giả họ cũng rất dè dặt. Ở đây, nghĩa Chiều/Chìu và Chịu không giống nhau. Chiều/Chìu ý là dựa theo, làm theo ý người khác một cách tự nguyện. trong khi đó, Chịu có nghĩa bị áp lực, bị bắt buộc. Vậy cách giải thích này tuỳ tiện và không thuyết phục chút nào anh ạ.
- Vâng, tôi cũng đồng ý với anh.
-
- Hẹn anh dịp khác.
-
Liêm
(07/2025)
Tham khảo
[1] Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huình Tịnh Của, Sài Gòn, 1895
[2] Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, 1931
[3] Việt Ngữ Chánh tả tự vị, Lê Ngọc Trụ, Sài Gòn, 1961
[4] Việt Anh tự diển, Nguyễn Văn Khôn, Sài Gòn, 1966
[5] Việt Nam tân tự điển, Thanh Nghị, Sài Gòn, 1967
[6] Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Sài Gòn, 1970
[7] Đại tự điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý, 1999
[8] Tự điển tiếng Việt, Lê Khả kế & Nguyễn Kim Thản, 2005
[9] Tự điển tiếng Việt, Hoàng Long & Quang Hùng, 2012
[10] Tự điển tiếng Việt, Kỳ Duyên & Hồng Vân, 2014
[11] Tự điển tiếng Việt, Hoàng Phê, 2021
[12] Truyện Kiều, chữ Nôm, bản Kinh 1870, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị
[13] Chữ viết của người Việt Nam, Mặc Lý, Da Màu, 11/11/2022